Mỹ, Hàn Quốc cân nhắc phương án quân sự sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Đêm 28-7, Triều Tiên bất ngờ tiến hành thêm một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Động thái này ngay lập tức đã khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng, trong đó, Mỹ và Hàn Quốc thậm chí đã đề cập tới khả năng sử dụng 'phương án quân sự' đối với Bình Nhưỡng.
Reuters cho hay, Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) ngày 29-7 khẳng định nước này đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 vào đêm 28-7. Vụ phóng này được tiến hành theo mệnh lệnh của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un (Kim Jong-un). Sau vụ thử, ông Kim Châng Un khẳng định chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên là một tài sản vô giá không thể bị thay thế hay rút lại. Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh vụ thử lên lửa mới nhất là một "cảnh báo nghiêm khắc" đối với Mỹ và chứng tỏ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Liên quan tới thông tin này, CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng ICBM mà Triều Tiên vừa phóng đêm 28-7 dường như có tầm bắn nhắm trúng các thành phố lớn của Mỹ. Tập hợp các phân tích của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về vụ phóng này cho thấy tên lửa của Triều Tiên đã bay khoảng 45 phút, đạt độ cao 3.700km và bay khoảng 1.000km. Theo nhận định của chuyên gia về tên lửa Đây-vít Rai (David Wright), nếu tên lửa này được phóng theo một đường đi tiêu chuẩn và có độ phẳng hơn, nó có thể đặt các thành phố lớn của Mỹ như Lốt An-giơ-lét (Los Angeles), Đen-vơ (Denver) và Chi-ca-gô (Chicago) vào tầm bắn, và khả năng xa nhất có thể vươn tới sẽ là Niu Y-oóc (New York) và Bô-xtơn (Boston).
Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In chủ trì cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia sau vụ phóng tên lửa đêm 28-7 của Triều Tiên. Ảnh: AP
Sau khi Triều Tiên thực hiện thành công vụ phóng ICBM, Mỹ và Hàn Quốc lập tức đã có những phản ứng cứng rắn. Ngay trong sáng sớm 29-7, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In (Moon Jae-in) đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và lên án vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Mun Chê In đã đưa ra một loạt biện pháp đối phó mạnh mẽ, trong đó có cả việc triển khai thêm các bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bên cạnh đó, Tổng thống Mun Chê In cũng chỉ thị cho Chính phủ xem xét các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Triều Tiên nếu thấy cần thiết.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đây của Triều Tiên là một hành động "liều lĩnh và nguy hiểm, khiến Triều Tiên "bị cô lập hơn". Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28-7, ông Đô-nan Trăm nêu rõ: "Mỹ lên án vụ thử tên lửa này và bác bỏ tuyên bố của Triều Tiên rằng những vụ thử như vậy - và những vũ khí này - bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Trên thực tế, chúng phản tác dụng”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ sẽ tiến hành các bước đi cần thiết để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ và bảo vệ các đồng minh tại khu vực.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Lầu Năm Góc thông báo giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận các "phương án phản ứng quân sự" với Bình Nhưỡng sau vụ thử ICBM đêm 28-7. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Giô-dép Đăn-phót (Joseph Dunford), cùng Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Ha-ri Ha-rít (Harry Harris) đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Tướng Li Xun Chin (Lee Sun-jin). Trong cuộc điện đàm, 3 quan chức quân sự này đã thảo luận về các "phương án phản ứng quân sự". Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong 2 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Giô-dép Đăn-phót đề cập tới phương án quân sự trong một tuyên bố liên quan tới Triều Tiên.
Yonhap cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Xông Y-âng Mu (Song Young-moo) ngày 29-7 thông báo, quân đội Mỹ sẽ triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả mạnh mẽ đối với việc Bình Nhưỡng vừa phóng thêm một ICBM. Trong một tuyên bố, ông Xông Y-âng Mu nêu rõ, vụ phóng ICBM của Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và hòa bình trên toàn thế giới, dập tắt hy vọng về việc làm giảm tình trạng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời khẳng định: “Hàn Quốc và Mỹ đã cùng bắn nhiều tên lửa đất đối đất và sẽ cho triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược trên Bán đảo Triều Tiên”.
Song song với các tuyên bố, chỉ vài giờ sau vụ phóng ICBM của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ ngày 29-7 đã bắt đầu tiến hành thêm một cuộc tập trận tên lửa đạn đạo để phô diễn sức mạnh. Thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận này có sự tham gia của loại tên lửa Hyunmoo-2, tầm bắn 300km của Hàn Quốc và ATACMS đất đối đất với tầm bắn tương tự của Mỹ.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại. Theo Tân Hoa xã, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) An-tô-ni-u Gu-te-rết (António Guterres) đã lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hành động của Triều Tiên đã gây ra "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình quốc tế".
Một ngày sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc cũng lên tiếng hối thúc Bình Nhưỡng tôn trọng các nghị quyết của HĐBA LHQ và ngừng tất cả các hành động có thể làm tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tồi tệ thêm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) nhấn mạnh, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là trái với mong muốn chung của cộng đồng quốc tế và Bắc Kinh phản đối hành động này.