Mỹ-Hàn tập trận không quân lớn với 130 chiến đấu cơ bao gồm F-35

Mỹ và Hàn Quốc tập trận không quân chung 5 ngày với sự tham gia của 130 chiến đấu cơ, gồm cả tiêm kích tàng hình đa năng F-35.

Ngày 30-10, Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận trận không quân quy mô lớn kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 130 máy bay chiến đấu nhằm mô phỏng các hoạt động thời chiến, theo hãng tin Reuters.

Không quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận thường niên mang tên Vigilant Defense sẽ diễn ra đến hết ngày 3-11. Các biến thể của tiêm kích tàng hình đa năng F-35 của cả Mỹ và Hàn Quốc cùng các nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại khác tham gia cuộc tập trận.

 Máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay C-17 của Không quân Mỹ tập trận cùng tiêm kích tàng hình đa năng F-35A của Không quân Hàn Quốc hồi năm 2022. Ảnh: REUTERS

Máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay C-17 của Không quân Mỹ tập trận cùng tiêm kích tàng hình đa năng F-35A của Không quân Hàn Quốc hồi năm 2022. Ảnh: REUTERS

Cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa quân đội hai nước qua việc thực hiện các nhiệm vụ trên không lớn như diễn tập bắn đạn thật trên không, các hoạt động phòng thủ phản công và huấn luyện khẩn cấp.

“Chúng tôi sẽ duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt nhất để đáp trả ngay lập tức và trừng phạt mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích nào của đối phương thông qua một cuộc huấn luyện cường độ cao mô phỏng tình huống thực tế” - quân đội HQ cho hay.

Triều Tiên nhiều lần lên án các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là sự diễn tập cho hành động xâm lược và là bằng chứng cho chính sách thù địch của Washington và Seoul.

Theo Reuters, cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự với Nga.

Tuần rồi, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Bình Nhưỡng có "ý chí kiên định" trong việc mở rộng quan hệ với Nga, đồng khẳng định mối quan hệ giữa hai nước sẽ đóng vai trò là yếu tố "chiến lược mạnh mẽ" nếu an ninh trong khu vực bị đe dọa.

Báo cáo mới về kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên và đề xuất cách Mỹ-Hàn đối phó

Ngày 30-10, Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á (tổ chức của Hàn Quốc chuyên nghiên cứu về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên) cùng tổ chức nghiên cứu RAND (tổ chức hỗ trợ nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ có trụ sở ở TP Santa Monica, bang California) công bố báo cáo với tiêu đề “Các phương án tăng cường đảm bảo hạt nhân của Hàn Quốc”, theo hãng thông tấn Yonhap.

Theo đó, báo cáo nhấn mạnh rằng Triều Tiên "đã thành lập một lực lượng vũ khí hạt nhân có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu" đối với Hàn Quốc và "sắp" gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Mỹ.

Báo cáo nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “dường như đang lên kế hoạch xây dựng một lực lượng gồm ít nhất 300 đến 500 vũ khí hạt nhân", trong đó ngưỡng 300 vũ khí “gần như có thể đạt được vào năm 2030”.

Báo cáo ước tính một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên có sức mạnh tương đương vụ thử hạt nhân thứ sáu của nước này hồi năm 2017.

Do đó, báo cáo kêu gọi hiện đại hóa khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ với chi phí do Hàn Quốc chi trả. Báo cáo đề xuất những vũ khí này có thể được cất giữ ở Mỹ nhưng sẽ có thể triển khai nhanh chóng và cam kết hỗ trợ cho Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, báo cáo đề xuất việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật mới của Mỹ tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng sự đảm bảo của Hàn Quốc dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ bị lung lay do sự mơ hồ trong cam kết của Washington đối với Seoul trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Seoul phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-han-tap-tran-khong-quan-lon-voi-130-chien-dau-co-bao-gom-f-35-post759129.html