Mỹ hoan nghênh Hàn Quốc gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quyết định của Seoul đã gửi đi thông điệp tích cực tới các quốc gia đồng minh của Washington về việc có thể thỏa luận để giải quyết các bất đồng song phương.
Ngày 22/11, Mỹ đã hoan nghênh quyết định mới nhất của Hàn Quốc việc chính quyền Hàn Quốc có chủ trương sẽ kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) kèm theo một số điều kiện.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quyết định của Seoul đã gửi đi thông điệp tích cực tới các quốc gia đồng minh của Washington về việc có thể thỏa luận để giải quyết các bất đồng song phương.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì thái độ chân thành trong thảo luận để tìm ra một giải pháp lâu dài cho các bất đồng liên quan đến lịch sử hai nước.
Cùng ngày, Thượng nghị sỹ Bob Menendez, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã ca ngợi quyết định của Hàn Quốc.
Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Twitter, ông cho rằng Seoul đã đưa ra quyết định khôn ngoan và được cân nhắc kỹ lưỡng, qua đó mang lại lợi ích cho hợp tác song phương và quan hệ giữa các đồng minh.
Trong ngày 22/11, ngay trước khi GSOMIA hết hiệu lực chỉ vài giờ, một số phương tiện truyền thông đã thông tin nhanh về khả năng hiệp định này sẽ được "giải cứu vào phút chót."
Đài TBS dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Hiệp định GSOMIA vẫn chưa chấm dứt.
Còn theo Đài NHK, Chính quyền Seoul đã thông báo với Tokyo chủ trương dừng tuyên bố GSOMIA hết hạn. Như vậy, Hiệp định GSOMIA sẽ vẫn còn hiệu lực.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 22/11 đã phản ứng thận trọng trước thông tin Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) kèm theo một số điều kiện.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Shinzo Abe nhận định quyết định của Chính phủ Hàn Quốc dựa trên quan điểm chiến lược rằng sự hợp tác song phương Nhật Bản-Hàn Quốc và hợp tác ba bên Nhật Bản-Mỹ-Hàn Quốc là rất quan trọng trong đối phó với Triều Tiên.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono cũng cho rằng quyết định của Seoul bắt nguồn trên cơ sở nhận định rằng sự liên kết Nhật Bản-Mỹ, Nhật Bản-Hàn Quốc và Nhật Bản-Mỹ-Hàn Quốc là rất quan trọng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực Đông Á đang diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hiện chưa thể đánh giá được động thái của Hàn Quốc vì chưa rõ các điều kiện mà Seoul sẽ đưa ra, tuy nhiên đây có thể là quyết định được đưa ra nhờ một phần áp lực từ Mỹ.
GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Tháng 8/2019, Seoul quyết định không gia hạn hiệp định sau khi Tokyo công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, khiến GSOMIA có nguy cơ hết hiệu lực từ 0 giờ ngày 23/11.
Việc Seoul kéo dài thời gian hiệu lực của GSOMIA được xem là động thái bất ngờ vì trước đó cả Tokyo và Seoul vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình xung quanh vấn đề này.