Mỹ hoãn nới lỏng lệnh cấm vận đối với Huawei

Hãng tin Bloomberg hôm 9-8 dẫn các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đang trì hoãn quyết định cấp phép cho các công ty Mỹ nối lại hoạt động bán hàng cho hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei để phản ứng việc Bắc Kinh dừng mua nông sản Mỹ.

 Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, chính thức ra mắt hệ điều hành HarmonyOS tại Hội nghị Nhà phát triển Huawei ở TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 9-8. Ảnh: Engadget

Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, chính thức ra mắt hệ điều hành HarmonyOS tại Hội nghị Nhà phát triển Huawei ở TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 9-8. Ảnh: Engadget

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán các linh kiện và công nghệ cho Huawei với điều kiện những sản phẩm này không gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ.

Hồi tháng 5, lấy lý do an ninh, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và hàng chục công ty liên kết của hãng này vào danh sách đen, khiến các công ty Mỹ không thể bán hàng cho Huawei nếu chưa xin được một loại giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, cam kết nới lỏng lệnh cấm vận đối với Huawei đi kèm với điều kiện Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ, điều mà cho đến nay ông Trump phàn nàn Trung Quốc chưa thực hiện. Đến hôm 5-8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ như một phần trong nỗ lực trả đũa kế hoạch áp vòng thuế mới của Mỹ lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết ông đã nhận được 50 đơn xin giấy phép nối lại bán hàng cho Huawei nhưng vẫn chưa ra quyết định cấp phép.

Hôm 8-8, giá cổ phiếu của các hãng chip Mỹ như Micron Technology và Western Digital giảm đến 2,2% ngay sau khi đón nhận thông tin Nhà Trắng trì hoãn cấp giấy phép cho các công ty Mỹ đang muốn bán hàng lại cho Huawei. Trong khi đó, giá cổ phiếu của hai công ty chip khác của Mỹ là Qualcomm, Xilinx giảm hơn 1% sau giờ giao dịch.

Hai hãng chip Xilinx và Micron công khai tuyên bố họ đã nộp đơn xin giấy phép bán hàng và kêu gọi chính phủ Mỹ nhanh chóng cho phép nối lại kinh doanh với Huawei. Họ cho rằng nhiều sản phẩm mà họ đang cung cấp cho Huawei có thể dễ dàng mua được từ các đối thủ nước ngoài khác, khiến cho lệnh cấm vận với Huawei không có hiệu quả và gây tổn hại cho ngành công nghiệp chip Mỹ.

Trong một nỗ lực chống đỡ lệnh cấm vận của Mỹ, hôm 9-8, tại một hội nghị diễn ra tại TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, chính thức giới thiệu hệ điều hành dựa vào nền tảng Android có tên gọi HongmengOS (tên gọi tiếng Anh là HarmonyOS). Ông Yu cho biết hệ điều hành này có thể được sử dụng cho các thiết bị khác nhau từ điện thoại thông minh (smartphone) cho đến loa thông minh, thậm chí cả các cảm biến.

Ông nói, trước hết HarmonyOS sẽ được sử dụng ở các “sản phẩm màn hình thông minh” bao gồm tivi vào cuối năm nay. Trong vòng ba năm tới, HarmonyOS sẽ được sử dụng ở các thiết bị khác bao gồm các thiết bị đeo.
Richard Yu tiết lộ Huawei sẽ triển khai HarmonyOS ở Trung Quốc trước rồi mới mở rộng ra toàn cầu.

Sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei đưa vào danh sách đen ngày 16-5, một số công ty công nghệ của Mỹ đã ngưng cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho “ông lớn” thiết bị viễn thông này. Google cũng chấm dứt cung cấp các phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, bao gồm giấy phép sử dụng hệ điều hành thương hiệu Android.

Đến hôm 20-5, Bộ thương mại Mỹ thông báo cấp phép tạm thời trong vòng 90 ngày, cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện và công nghệ của Mỹ để duy trì các mạng lưới viễn thông hiện hành và bảo vệ người dùng smartphone của Huawei ở Mỹ khỏi các rủi ro an ninh. Điều này có nghĩa là người dùng smartphone của Huawei hiện tại có thể sẽ không được Google cung cấp các bản cập nhật an ninh và phần mềm sau khi thời gian 90 ngày tạm hoãn thi hành lệnh cấm vận với Huawei kết thúc vào ngày 19-8 tới.

Các dòng smartphone trong tương lai của Huawei có thể sẽ không được Google cấp phép sử dụng hệ điều hành thương hiệu Android và các ứng dụng thông dụng như Gmail, Google Maps, Google Play.

Động thái ra mắt HarmonyOS là nỗ lực của Huawei để ứng phó với viễn cảnh này. Android là phần mềm mã nguồn mở, do vậy Huawei có thể sử dụng phiên bản cộng đồng của nó có tên gọi Dự án mã nguồn mở Android (AOSP) để phát triển hệ điều hành HarmonyOS.

Tại Hội nghị nhà phát triển Huawei hôm 9-8, Richard Yu khẳng định khi Huawei không còn được phép tiếp cận hệ sinh thái Android của Google, hãng này có thể triển khai Harmony OS bất cứ lúc nào.

Giới phân tích cho rằng Huawei có thể mất ít nhất từ 2-3 năm để vận hành các ứng dụng được sử dụng phổ biến tương thích với hệ điều hành mới HarmonyOS.

Tuy nhiên, các khách hàng smartphone của Huawei bên ngoài Trung Quốc, vốn đã quen sử dụng các ứng dụng của Google, ít khả năng chuyển sang sử dụng hệ điều hành mới HarmonyOS của Huawei hơn người dùng Trung Quốc.

Theo Bloomberg, CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292612/my-hoan-noi-long-lenh-cam-van-doi-voi-huawei.html