Mỹ hướng dẫn Ukraine lựa chọn mục tiêu cho tên lửa tầm xa ATACMS
Chính quyền Mỹ hướng dẫn cho lực lượng vũ trang Ukraine về cách lựa chọn mục tiêu tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.
"Rõ ràng là chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và chỉ dẫn cho họ cách sử dụng chúng để tấn công mục tiêu cụ thể. Ngay bây giờ, quân nhân Ukraine có thể sử dụng ATACMS để tự vệ khi cần thiết", người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby nhấn mạnh.
Khi được hỏi về những cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS sâu vào lãnh thổ Nga, ông John Kirby cho biết thêm "không có gì thay đổi" về việc sử dụng tên lửa.
Hôm 17/11, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell xác nhận chính quyền Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga trong phạm vi lên tới 300 km. Ông Josep Borrell lưu ý vấn đề này được thảo luận tại cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao EU, nhưng các bên không đạt được sự đồng thuận về việc dỡ bỏ hạn chế và mỗi quốc gia thành viên sẽ tự quyết định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Ukraine không thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga mà không có sự hỗ trợ của phương Tây, vì họ cần tình báo vệ tinh để làm điều đó.
Hôm 21/11, ông Vladimir Putin cho biết Mỹ và đồng minh NATO tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công bên trong Nga, khiến tên lửa của Mỹ và Anh tấn công nhiều cơ sở quân sự của Nga ở khu vực Kursk và Bryansk.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý Moskva đáp trả những cuộc tấn công này bằng cách bắn tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh Oreshnik mới nhất của Nga có đầu đạn không phải hạt nhân vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, nhà máy Yuzhmash ở Dnipro. Những chính sách khiêu khích của phương Tây có thể gây ra hậu quả thảm khốc nếu họ tiếp tục leo thang xung đột.