Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu
Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.
Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua
Khai thác khoáng sản dưới đáy đại dương thường có vẻ như một điều viển vông, nhưng những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ có thể khiến điều đó trở nên gần hơn với thực tế.
Ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy đại dương, trải dài trên hàng nghìn km, là hàng chục triệu nốt sần đa kim chứa một lượng lớn niken, mangan và coban - sự kết hợp hoàn hảo của các khoáng chất để tạo ra pin cho xe điện cũng như nhiều thiết bị điện tử quan trọng, đặc biệt trong công nghiệp quốc phòng.
Những nỗ lực vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự chấp thuận của chính phủ để khai thác đáy biển để lấy kim loại hiếm thường bị bỏ qua, nhưng những người ủng hộ đã tìm ra cách để thu hút các nhà lập pháp - như một nguồn coban cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Samir Kapadia, một nhà vận động hành lang của Tập đoàn Vogel được The Metals Company (TMC), một trong số ít các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác đáy biển sâu, cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, câu chuyện xung quanh việc khai thác biển sâu đã trải qua một bước ngoặt ở chỗ nó rõ ràng đã tìm được chỗ đứng trong bối cảnh an ninh quốc gia”.
Kapadia nói rằng các nhà lập pháp trong những năm qua coi việc khai thác biển sâu là một ý tưởng “chiếc bánh trên trời”, khó có thể thành hiện thực và thậm chí còn bị một số người cười nhạo.
Tuy nhiên, hôm thứ Ba (25/3), hai Hạ nghị sĩ Carol Miller và John Joyce đã giới thiệu một dự luật lên Quốc hội Mỹ thúc đẩy phát triển và tài trợ cho hoạt động khai thác biển sâu ở nước này.
Đặc biệt, dự luật đưa ra ý tưởng tạo ra một ngành công nghiệp chế biến các khoáng sản khai thác dưới đáy biển sâu bên trong nước Mỹ cũng như hợp pháp hóa và chính thức hóa hoạt động khai thác dưới biển sâu ở vùng biển quốc tế.
Tính cấp bách của việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thống trị nhiều chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này đối với hoạt động khai thác biển sâu.
Mỹ không muốn chậm chân
Theo báo Wall Street Journal, Bắc Kinh hiện nắm giữ 5 hợp đồng thăm dò đáy biển để tìm khoáng sản ở vùng biển quốc tế, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Nhiều thứ nhì là Nga. Trung Quốc cũng đã gửi tàu đi nghiên cứu ở Thái Bình Dương - điều khiến các nhà lập pháp Mỹ lo ngại
Hơn 30 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 12 năm ngoái để thúc đẩy trường hợp khai thác và chế biến khoáng sản dưới biển sâu ở trong nước, đồng thời cảnh báo về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với lĩnh vực khoáng sản quan trọng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang thực hiện một báo cáo do xem xét khả năng của Mỹ trong việc xử lý các khoáng sản thu được bằng cách khai thác dưới biển sâu trong nước. Báo cáo đó đến hạn vào ngày 1 tháng 3 nhưng đã bị trì hoãn.
Lầu Năm Góc mới đây cho biết: “Mặc dù chúng tôi chưa có thông tin chi tiết cụ thể về báo cáo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quốc hội về cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo việc khai thác các khoáng sản quan trọng vốn là chìa khóa cho hệ thống quốc phòng”.
Tuần tới, các thành viên của Cơ quan Quản lý Đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức quan sát viên của Liên Hợp quốc, sẽ gặp nhau ở Kingston, Jamaica để thảo luận các bước cuối cùng của quy tắc khai thác mà cuối cùng sẽ dẫn đến các quy tắc và quy định cuối cùng về khai thác dưới biển sâu.
Mỹ sẽ tham dự, dù nước này chưa phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, nghĩa là Mỹ không có quyền biểu quyết đối với các luật mới.
Một nhóm cựu lãnh đạo quân sự và chính trị đã kêu gọi Mỹ phê chuẩn Luật Biển trong nỗ lực thúc đẩy sự quan tâm của nước này đối với việc khai thác khoáng sản ở vùng biển sâu, theo tờ Wall Street Journal cho biết.
Các nhà lãnh đạo Hạ viện Mỹ cũng đã họp với các công ty khai thác biển sâu như TMC và Transocean có trụ sở tại Houston trong năm qua để thảo luận về việc khai thác biển sâu, với mục tiêu cụ thể là chế biến khoáng sản trên bờ biển Mỹ.
Hạ nghị sĩ Robert Wittman cho biết: “Các khoáng sản quan trọng này cần thiết để xây dựng hệ thống chiến đấu trên tàu và máy bay của chúng ta cũng như các khía cạnh khác của những vũ khí chủ chốt của quân đội. Rõ ràng là có nhiều thiếu sót trong lĩnh vực đó nếu chúng ta không thực sự tham gia vào lĩnh vực tuyên bố chủ quyền về trữ lượng khoáng sản dưới biển sâu này”.
Tiếng nói từ các nhà môi trường
Một trong những thách thức lớn đối với tham vọng khai thác đáy biển sâu là sự phản đối của các nhà môi trường.
Chẳng hạn công ty TMC đang hợp tác với quốc đảo Cộng hòa Nauru để thực hiện một dự án thăm dò mở ra cánh cửa khả thi để bắt đầu khai thác đáy biển Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong lúc thị trường dường như không tin vào triển vọng thành công của TMC thì sự phản đối đối với dự án này cũng ngày càng tăng, với hơn 20 quốc gia kêu gọi tạm dừng.
Những người biểu tình của tổ chức môi trường Greenpeace thậm chí đã trèo lên tàu nghiên cứu của TMC ở Thái Bình Dương vào cuối năm ngoái. Các nhóm như Greenpeace và World Wide Fund for Nature đã vận động hành lang chống lại hoạt động khai thác dưới biển sâu trong nhiều năm.
Họ nói rằng việc này sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho đáy biển và các nốt sần đa kim mà các công ty khai khoáng nhắm đến là môi trường sống quan trọng cho sinh vật biển.
Katherine Tsantiris, giám đốc quan hệ chính phủ tại Ocean Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ môi trường, cho rằng rằng các tập đoàn khai khoáng đang tạo ra cảm giác cấp bách sai lầm về nhu cầu khai thác dưới biển sâu.
“Sự cấp bách xung quanh cuộc khủng hoảng khí hậu không thể bị cường điệu hóa và dẫn đến một thảm họa môi trường”, bà Tsantiris nói.
Asmeret Asghedom, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Toàn cầu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, thì cho rằng việc khai thác khoáng sản có xu hướng gây ra xung đột, đặc biệt là ở những nơi như Mỹ Latinh, và “cách tiếp cận độc đáo, chưa được thử nghiệm” trong khai thác khoáng sản đáy biển sâu có thể khiến xung đột trở nên phổ biến hơn.
“Đáy biển vốn đã là một điểm nóng và nó có thể trở thành điểm nóng lớn hơn trong tương lai”, bà Asghedom nói.