Mỹ-Iran nối lại đàm phán hạt nhân và sự kỳ vọng thận trọng từ hai bên
Mỹ và Iran vừa tiến hành cuộc đàm phán hạt nhân đầu tiên sau thời gian dài gián đoạn, trong một nỗ lực ngoại giao được kỳ vọng có thể làm dịu căng thẳng giữa hai bên.
Mỹ và Iran đã nối lại vòng đàm phán ngoại giao cấp cao liên quan chương trình hạt nhân của Tehran – lần đầu tiên hai bên tổ chức đối thoại sau nhiều năm gián đoạn. Cuộc gặp diễn ra tại TP Muscat (thủ đô Oman) hôm 12-4.
Theo đài CNN, Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi dẫn đầu phái đoàn Tehran và Đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Steve Witcoff đại diện cho Washington. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ năm 2018.
Đàm phán được tiến hành theo hình thức “ngoại giao con thoi”, khi hai bên ở trong các phòng riêng biệt và Ngoại trưởng Oman - ông Badr bin Hamad al-Busaidi đóng vai trò trung gian.

Một tờ báo có tiêu đề về các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại TP Muscat (Oman) hôm 12-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Sau phiên đàm phán hạt nhân hôm 12-4, ông Araghchi gọi đây là một bước đi tích cực ban đầu.
“Đối với vòng đầu tiên, các cuộc thảo luận diễn ra tích cực. Mọi chuyện diễn ra trong không khí bình tĩnh, tôn trọng và không có ngôn từ kích động. Cả hai bên đều cho thấy cam kết muốn tiến tới một thỏa thuận khả thi” - ông Araghchi nói.
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố ngắn gọn, nhận định các cuộc đàm phán “rất tích cực và mang tính xây dựng”. Tuyên bố nhấn mạnh rằng ông Witcoff đã nhận được chỉ đạo ưu tiên con đường ngoại giao và tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Khi được hỏi về cuộc đối thoại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phản hồi thận trọng: “Tôi nghĩ mọi việc đang diễn ra suôn sẻ. Nhưng chẳng gì quan trọng cho đến khi nó hoàn tất. Tôi không muốn nói nhiều. Nhưng mọi thứ đang tiến triển tích cực”.
Nhiều hoài nghi giữa các bên
Dù vẫn duy trì giọng điệu cứng rắn và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, Tổng thống Trump tiếp tục thể hiện mong muốn theo đuổi giải pháp ngoại giao. Thông báo nối lại đàm phán được đưa ra khi ông ngồi cạnh Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, vốn được coi là thời điểm nhạy cảm khi Tel Aviv có lẽ đang kỳ vọng một lập trường cứng rắn hơn từ Washington đối với Iran.
Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh nhu cầu đối thoại - dấu hiệu cho thấy một chiến lược tạm hoãn hoặc một tính toán lớn hơn nhằm sử dụng đòn bẩy chính trị thay vì đối đầu quân sự tức thời, theo đài RT.
Tại Tehran, giới chức Iran phản ứng đầy hoài nghi. Dù không bao giờ hoàn toàn bác bỏ đối thoại với phương Tây và từng kỳ vọng một bước ngoặt ngoại giao, truyền thông nhà nước Iran (như hãng tin NourNews) gọi tuyên bố của ông Trump là một “chiến dịch tâm lý” nhằm xây dựng câu chuyện có lợi cho Washington cả trong và ngoài nước.
Theo chuyên gia Farhad Ibragimov – giảng viên tại ĐH Hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN University), phía Iran bước vào đối thoại với thái độ thực tế nhưng cứng rắn.
Giới chức Tehran đã nêu rõ những điều kiện để đạt được thỏa thuận, trong đó nổi bật là: dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chủ chốt (đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng), giải phóng tài sản bị phong tỏa của Iran tại các ngân hàng châu Âu và Đông Á, cùng với bảo đảm chắc chắn về việc Mỹ và Israel sẽ không tiến hành tấn công quân sự trong tương lai.
Những yêu cầu này phản ánh sự thiếu niềm tin sâu sắc. Từ góc nhìn của Iran, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là bằng chứng cho thấy Washington “không đáng tin”, theo ông Ibragimov.
“Việc Mỹ có sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Iran hay không vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump từ lâu đã tự nhận là người có thể đạt được thỏa thuận và tránh chiến tranh kéo dài. Nhưng nhìn lại những gì ông từng làm với Iran lại cho thấy điều ngược lại. Việc Mỹ nhiều lần rút khỏi các cam kết càng khiến Tehran tin rằng các thỏa thuận đều có thể bị Washington phá vỡ bất cứ lúc nào” - ông Ibragimov nhận định.
Khoảng cách giữa lời nói ngoại giao và cam kết cụ thể đang trở thành điểm nghẽn lớn. Iran đòi hỏi những điều khoản ràng buộc, có thể đo lường. Nhưng từ phía Mỹ, việc đưa ra nhượng bộ quá lớn có thể bị xem là đánh mất lợi thế.
Điều đó đẩy hai bên vào thế bế tắc: Iran muốn có đảm bảo rõ ràng, trong khi Mỹ kỳ vọng Tehran mềm mỏng, vốn là điều khó xảy ra khi ảnh hưởng khu vực của Iran đang giảm sút.
Theo giới quan sát, Iran đang đàm phán trong thế yếu hơn trước nhiều. Nếu như cách đây một thập niên Tehran có thể dựa vào mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm mạnh mẽ (từ nhóm Hezbollah ở Lebanon, Hamas, đến các nhóm dân quân Shiite ở Iraq và Syria) thì hiện nay phần lớn các “tài sản” ấy đã bị suy giảm hoặc bị gạt ra ngoài rìa.
Ngay cả Iraq là nơi từng là “sân sau” chiến lược của Iran, nay cũng đang theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng hơn, xích lại gần với Mỹ, các quốc gia vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó khiến ảnh hưởng khu vực của Iran bị thu hẹp rõ rệt, ông Ibragimov cho hay.
Nói cách khác, các yêu cầu và vị thế đàm phán của Iran thời điểm này được đánh giá không cân xứng. Vì vậy, khả năng Mỹ chấp nhận có những nhượng bộ lớn là rất thấp. Hai bên đang rơi vào bế tắc: Iran muốn có những cam kết mà Mỹ không thể hoặc không sẵn lòng đưa ra, còn Mỹ lại trông đợi sự mềm mỏng từ một đối thủ đang ngày càng bị cô lập.
Những kịch bản chiến tranh đáng ngại
Từ những gì diễn ra trước đây, giới quan sát cho rằng không thể hoàn toàn bác bỏ giả định rằng ông Trump có thể đang sử dụng ngoại giao như một bước đệm và không thể loại trừ viễn cảnh đối đầu.
Những hành động trước đây của chính quyền ông (như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, ra lệnh ám sát Tướng Iran - ông Qassem Soleimani, mở rộng các biện pháp trừng phạt, và tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực) đều liên tục làm suy yếu triển vọng đối thoại. Do đó, dù các cuộc đàm phán hiện tại có thể là nghiêm túc, chúng cũng có thể được sử dụng để biện minh cho hành động quân sự trong tương lai nếu con đường ngoại giao thất bại.
Nếu viễn cảnh này xảy ra, các nhà phân tích cho rằng Washington có thể cân nhắc hai phương án chính để tấn công cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, đặc biệt tại Natanz và Fordow, gồm: (1) mở chiến dịch chung với Không quân Israel; và (2) là một cuộc tấn công đơn phương do Israel thực hiện. Trong cả hai trường hợp, các đợt không kích chính xác với vũ khí hiện đại đều được dự đoán sẽ xảy ra.
Hệ thống phòng không của Iran khó có khả năng đẩy lùi một cuộc tấn công như vậy, đặc biệt nếu Mỹ triển khai các oanh tạc cơ tàng hình B-2 hoặc bom xuyên boongke GBU-57. Một cuộc tấn công quy mô lớn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả các cơ sở trên mặt đất và dưới lòng đất.

Tên lửa Iran được nhìn thấy khi bay trên bầu trời Bờ Tây hôm 1-10 khi Iran tấn công Israel. Ảnh: FLASH90
Về mặt lịch sử, Iran thường dựa vào chiến lược đáp trả phi đối xứng, nhắm mục tiêu vào đối thủ thông qua các phương tiện phi truyền thống. Tuy nhiên, khả năng phản ứng theo cách này đang suy giảm.
Hezbollah đã chịu tổn thất nặng nề trước các chiến dịch quân sự gia tăng của Israel, trong khi Syria – từng là trụ cột trong chiến lược khu vực của Iran dưới thời ông Bashar al-Assad – nay gần như đã rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của các đối thủ của Tehran.
Trước sự thay đổi này, Iran nhiều khả năng sẽ dựa chủ yếu vào năng lực nội tại để tiến hành phản công. Dù bị cô lập hơn trước, Tehran vẫn sở hữu một loạt công cụ đa dạng: tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV) tấn công, năng lực tác chiến điện tử, và các hoạt động ủy nhiệm thông qua lực lượng thân cận trong khu vực.
Một hình thức đáp trả khả thi là triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV nhằm vào Israel. Đây không chỉ là suy đoán vì Tehran đã thực hiện những cuộc tấn công tuy khá giới hạn nhưng về cơ bản là chưa từng có tiền lệ trong năm 2024. Chẳng hạn như đòn đánh hồi tháng 8-2024, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa, một số trong đó vượt qua hệ thống phòng thủ của Israel và đánh trúng căn cứ Nevatim.
Những hành động này cho thấy rõ ý định và khả năng của Iran trong việc phản ứng mạnh mẽ. Dù Israel sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, các cuộc tấn công như vậy vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về mặt chính trị lẫn chiến lược.
Các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực cũng là những mục tiêu tiềm tàng. Washington hiện duy trì một mạng lưới quân sự rộng khắp Trung Đông – bao gồm Iraq, Qatar, Kuwait, Jordan, Bahrain và Saudi Arabia – với khoảng 40.000 binh sĩ đồn trú tính đến cuối năm 2024.
Các cơ sở này đã từng bị các nhóm thân Iran tấn công. Vào tháng 1, một UAV xuất phát từ lãnh thổ Iraq đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Jordan, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng. Iran cũng từng đáp trả vụ ám sát Tướng Soleimani năm 2020 bằng các đợt phóng tên lửa trực tiếp vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq, khiến hàng chục quân nhân bị chấn động não.
So với các mục tiêu tại Israel, các căn cứ Mỹ thường nằm gần Iran và các lực lượng ủy nhiệm hơn và cũng được bảo vệ lỏng lẻo hơn, khiến chúng trở thành những mục tiêu hấp dẫn hơn cho cả tấn công thông thường lẫn phi đối xứng. Tuy vậy, tấn công lực lượng Mỹ mang theo rủi ro cao hơn rất nhiều, vì có thể kích hoạt một phản ứng quân sự áp đảo từ Washington.
Đúng theo chiến lược phi đối xứng của mình, Iran cũng có thể tìm cách gây áp lực thông qua các đối tác trong khu vực. Các quốc gia vùng Vịnh như Saudia Arabia, UAE, Qatar, Bahrain và Kuwait – những đồng minh hậu cần và quân sự quan trọng của Mỹ – có thể trở thành mục tiêu trong tầm ngắm.
Iran đã nhiều lần cảnh báo các chính phủ này rằng việc cho phép quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ hoặc không phận của họ sẽ bị xem là hành động chiến tranh. Tuy nhiên, tấn công trực tiếp các quốc gia này cũng là bước đi đầy rủi ro, nhất là trong bối cảnh Tehran vừa có dấu hiệu "tan băng" ngoại giao với Riyadh từ đầu năm 2023. Nếu Iran theo đuổi phương án này, nhiều khả năng họ sẽ tập trung vào các mục tiêu của Mỹ thay vì hạ tầng của các nước Ả Rập.
Một yếu tố khác trong chiến lược răn đe của Tehran là lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz – điểm nghẽn quan trọng của dòng chảy dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu. Khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu và hơn 30% LNG của thế giới đi qua hành lang hẹp này. Bất kỳ sự phong tỏa nào cũng có thể đẩy giá năng lượng tăng vọt và gây chấn động các thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, nước cờ này cũng có thể phản tác dụng. Nền kinh tế Iran phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu và khí đốt, và việc làm gián đoạn dòng chảy này sẽ cắt giảm chính nguồn thu của Tehran.
Việc đóng cửa eo biển cũng có thể làm tổn hại quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng – đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất từ Iran. Không giống Mỹ, an ninh năng lượng của Trung Quốc gắn chặt với sự ổn định tại Hormuz, và bất kỳ sự gián đoạn nào đều có thể bị coi là đe dọa đến lợi ích quốc gia của Bắc Kinh.
Tại thời điểm này, mọi ánh mắt đều dõi theo khả năng các cuộc đàm phán có đạt được tiến triển - dù chỉ là tối thiểu - hay không. Một bước đột phá ngoại giao, dù khiêm tốn, cũng có thể làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa các bên.
Trong một khu vực mà mức độ rủi ro cao không kém gì sự thiếu tin tưởng, thì ngay cả những bước đi ngoại giao nhỏ nhất cũng có thể là kịch bản tốt nhất, ít nhất là vào lúc này, ông Ibragimov nhận định.