Mỹ-Iraq: Baghdad 'không vui' vì đe dọa 'nguy hiểm' của Washington; lại có tấn công rocket
Ngày 30/9, Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho biết, Baghdad 'không vui' với lời đe dọa 'nguy hiểm' của Washington rút các binh sĩ và nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Iraq.
Tuần trước, truyền thông đưa tin, một số nguồn tin chính trị và ngoại giao cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tối hậu thư rằng, toàn bộ nhân sự Mỹ sẽ rời khỏi Iraq trừ khi chính phủ nước này chấm dứt các vụ tấn công nhằm vào họ.
Ngoại trưởng Hussein cho rằng, Mỹ rút quân có thể dẫn đến việc các nước thành viên trong liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại các phần tử thánh chiến từ chối thỏa hiệp cũng rút quân, điều này sẽ nguy hiểm do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không chỉ đe dọa Iraq mà còn toàn bộ khu vực.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại quyết định của họ. Một số người ở Washington đang so sánh với Benghazi, song đây là sự phân tích sai lầm, giống như đây là một quyết định sai lầm", ông Hussein ám chỉ thành phố lớn thứ 2 của Libya.
Bốn nhân sự Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya, đã bị sát hại ở Benghazi hồi năm 2012, thời điểm các phiến quân Hồi giáo nằm trong số đám đông biểu tình xông vào Lãnh sự quán Mỹ.
Trong khi đó, cùng ngày, một nguồn tin an ninh cho biết, các lực lượng phiến quân đã tiếp tục tấn công bằng rocket nhằm vào các binh sĩ Mỹ ở khu vực gần sân bay Erbil thuộc vùng bán tự trị của người Kurd ở Iraq. Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi cam kết bảo vệ cho các phái bộ ngoại giao nước ngoài.
Nguồn tin trên cho hay: "Lực lượng phiến quân PMF đã phóng 6 quả rocket từ khu vực làng Sheikh Amir ở tỉnh Nineveh nhắm tới lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu ở sân bay quốc tế Erbil".
Theo đó, 4 quả rocket đã rơi xuống khu vực ngoài sân bay, trong khi hai quả còn lại không phát nổ.
Thông tin ban đầu cho thấy không có thương vong và vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Trong vài tuần qua, số vụ tấn công bằng rocket nhằm vào khu vực gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad gia tăng đáng kể, bên cạnh các vụ đánh bom nhằm vào các đoàn xe chở quân nhu cho liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tại Iraq.
Mới đây, đã xảy ra một vụ đánh bom nhằm vào xe hộ tống của Anh đang di chuyển trên đường và là vụ tấn công đầu tiên theo hình thức này nhằm vào các nhà ngoại giao phương Tây ở Iraq trong nhiều năm qua.
(theo AFP)