Mỹ, Italy, Pháp bỏ tù, phạt tiền người cố tình ra đường mùa dịch
Chính phủ nhiều nước trên thế giới buộc phải thiết lập các mức phạt mạnh tay để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh cấm ra đường, nhất là khi dịch bệnh ngày càng đe dọa trầm trọng hơn.
Luật pháp Mỹ chưa có quy định chung về việc xử phạt người không tuân thủ lệnh cách ly xã hội. Án phạt tùy theo luật hiện hành của từng bang. Tại bang Michigan, việc vi phạm luật sức khỏe công cộng có thể bị phạt 200 USD, tối đa 6 tháng tù giam hoặc cả hai. Ở bang Maryland, người vi phạm đối mặt mức phạt tối đa một năm tù hoặc 5.000 USD, trong khi ở bang Wisconsin là 30 ngày tù hoặc 250 USD. Tại hầu hết bang, vi phạm lệnh cách ly của chính quyền được xem là phạm tội hình sự.
Italy là một trong những nơi ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới. Nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của virus, người dân Italy chỉ được phép ra ngoài đường và cầm theo giấy chứng nhận sức khỏe trong các trường hợp như mua nhu yếu phẩm, làm việc hoặc nếu cần trợ giúp y tế. Những người cố tình làm trái sẽ chịu án tù ba tháng hoặc phạt 206 euro (230 USD) theo quy định mới.
Dù lệnh phong tỏa toàn quốc đã có hiệu lực từ ngày 17/3, người dân Pháp trong nhiều ngày vẫn không chịu ở yên trong nhà. Chính phủ buộc phải điều động gần 100.000 nhân viên an ninh thắt chặt việc chấp hành của người dân. Những ai muốn ra ngoài tập thể dục phải đi một mình, và chỉ được đi tới bán kính 1 km từ nhà của họ, với thời gian tối đa là 1 giờ đồng hồ. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro, và tái phạm thì mức phạt là 1.500 euro.
Đức bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh dịch với hơn 92.000 ca dương tính, đứng thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo tất cả người dân ở nhà. Tại nhiều nơi, những “bữa tiệc corona” vẫn diễn ra, thu hút số lượng lớn tụ tập. North Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate là hai trong số ít nơi thiết lập quy định xử phạt người rời nhà không có lý do chính đáng, với mức phạt cao nhất là 25.000 euro.
Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/3. Theo đúng quy định, người vi phạm có thể chịu án phạt đến 2 năm tù và xử phạt hành chính. Vào ngày đầu tiên áp dụng, phóng viên Reuters ghi nhận được hình ảnh cảnh sát bang Uttar Pradesh dùng biện pháp nhẹ tay hơn là bắt người vi phạm lệnh phong tỏa phải thụt đầu rồi ghi hình lại.
Kể từ ngày 27/3, Singapore ra quy định các cuộc tụ họp bên ngoài cơ quan hay trường học chỉ giới hạn dưới 10 người. Người dân cũng phải duy trì khoảng cách trên 1 m với những người xung quanh, đặc biệt ở nơi có nhiều sự tương tác như siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm. Ai vi phạm có thể bị phạt tù tới 6 tháng nếu cố ý đứng gần người khác. Những người không tuân thủ các quy định tránh tiếp xúc xã hội khác cũng phải chịu mức phạt lên tới 10.000 SGD (6.907 USD).
Từ ngày 26/3, Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới trên đất liền, trên biển và trên không. Các địa điểm như hộp đêm, sân chơi, nhà thi đấu tại Bangkok cũng sẽ bị đóng cửa vô thời hạn. Những người không tuân thủ lệnh cấm ra đường có thể bị phạt tù lên đến 2 năm hoặc phạt tiền 40.000 baht (1.200 USD), hoặc cả hai. Những hành vi vi phạm không được đề cập trong sắc lệnh có thể bị phạt bởi các luật khác liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Malaysia thiết lập lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 16/3. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà đến hết tháng 3, trừ những lúc đi mua nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh hoặc làm công vụ. Bất cứ ai vi phạm có thể bị phạt 6 tháng tù giam, phạt tiền hoặc cả hai.
Tại Australia, mặc dù lối vào các bãi biển ở thành phố Sydney đã được quây hàng rào để hạn chế người dân tụ tập, nhiều người vẫn chui qua hàng rào này để đi tắm biển. Cảnh sát bang được phép xử phạt những người vi phạm lệnh cấm tụ tập xã hội, với mức phạt có thể lên đến 1.000 AUD (khoảng 590 USD) cho cá nhân và 5.000 AUD cho tổ chức.