Mỹ kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với đĩa giấy Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, vụ việc này đã được Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra cùng với vụ việc điều tra chống trợ cấp từ ngày 14/2/2024 theo yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đĩa giấy Mỹ. Vụ việc điều tra chống trợ cấp đã có kết luận sơ bộ từ ngày 25/6/2024.

Trong vụ việc này, DOC đã lựa chọn 2 bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên, 1 bị đơn bắt buộc đã từ chối tham gia vụ việc nên chỉ còn 1 bị đơn bắt buộc duy nhất trong vụ việc này.

Theo kết luận sơ bộ vừa ban hành, mức thuế chống bán phá giá tạm thời như sau: Công ty bị đơn duy nhất trong vụ việc: 0%; các công ty khác: 159,79%, được tính dựa trên dữ liệu sẵn có bất lợi.

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ nhằm xác minh các thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây là một trong những căn cứ để DOC ban hành kết luận cuối cùng, đưa ra mức thuế chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kết luận cuối cùng của vụ việc dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2025.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới.

Trước đó, vào ngày 14/2/2024, DOC đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra gồm: Đĩa được ép hoặc cắt từ giấy/bìa (đĩa giấy) loại trừ đĩa được đúc hoặc ép trực tiếp từ bột giấy; đĩa có độ sâu từ 1,25 đến dưới 2inch và đáy có đường kính không quá 5 inch (nếu có hình tròn) có diện tích không quá 20inch2 (nếu có hình dạng khác). Sản phẩm bị điều tra có thể được kê khai nhập khẩu theo mã HS 4823.69.00.40 hoặc mã 4823.61.00.40.

Mức biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 153,09%-165,27% (thấp hơn mức cáo buộc với Trung Quốc là 154,57-178,80% và cao hơn mức cáo buộc với Thái Lan là 61,03%-73,17%).

Do Mỹ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC đã sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là nước thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đĩa giấy.

Bạch Khởi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/my-ket-luan-so-bo-vu-viec-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-voi-dia-giay-viet-nam-313179.html