Mỹ kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế sau vụ tấn công đẫm máu tại Kashmir

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/4 cho biết Washington đang liên lạc với cả Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai quốc gia Nam Á tìm kiếm một 'giải pháp có trách nhiệm' trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau vụ tấn công tại Kashmir.

Một người tuần hành cầm tấm biển có thông điệp trong buổi cầu nguyện để lên án vụ tấn công vào khách du lịch gần Pahalgam, một thắng cảnh ở phía nam Kashmir, tại Srinagar ngày 23/4. Ảnh: reuters.

Một người tuần hành cầm tấm biển có thông điệp trong buổi cầu nguyện để lên án vụ tấn công vào khách du lịch gần Pahalgam, một thắng cảnh ở phía nam Kashmir, tại Srinagar ngày 23/4. Ảnh: reuters.

Trong các tuyên bố công khai, chính phủ Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với Ấn Độ sau vụ việc, song tránh chỉ trích trực tiếp Pakistan. New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau vụ tấn công ngày 22/4 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến hơn hai chục người thiệt mạng. Pakistan bác bỏ cáo buộc và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra trung lập.

"Đây là một tình huống đang diễn biến phức tạp và chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến. Chúng tôi đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ và Pakistan ở nhiều cấp độ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters qua email.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cùng phối hợp hướng tới một giải pháp có trách nhiệm", người phát ngôn nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington "đứng về phía Ấn Độ và mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam", lặp lại các tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance.

Ấn Độ hiện là đối tác ngày càng quan trọng đối với Mỹ trong chiến lược đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á. Trong khi đó, vai trò của Pakistan đối với Washington đã giảm sút đáng kể sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021, dù nước này vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ.

Michael Kugelman, chuyên gia phân tích khu vực Nam Á tại Washington và cộng tác viên tạp chí Foreign Policy (Đối ngoại), nhận định Ấn Độ hiện là đối tác thân cận hơn nhiều của Mỹ so với Pakistan.

"Điều này có thể khiến Islamabad lo ngại rằng nếu Ấn Độ tiến hành các hành động quân sự đáp trả, Mỹ sẽ ủng hộ mục tiêu chống khủng bố của New Delhi và sẽ không can thiệp để ngăn chặn", ông Kugelman nói với Reuters.

Ông Kugelman cũng lưu ý rằng với việc Washington đang bận rộn với các nỗ lực ngoại giao liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và xung đột tại Gaza, chính quyền Trump có thể "khó dành nhiều nguồn lực cho căng thẳng Ấn Độ - Pakistan" và có khả năng để hai nước tự giải quyết trong giai đoạn đầu.

Hussain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ và hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson, cũng nhận định rằng Washington dường như không mấy mặn mà trong việc can thiệp xoa dịu tình hình lần này.

"Ấn Độ từ lâu đã có những bất mãn liên quan đến chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới, trong khi Pakistan luôn nghi ngờ rằng Ấn Độ có ý đồ chia cắt đất nước mình. Hai bên thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng cực độ sau mỗi vài năm. Tuy nhiên, lần này Mỹ không còn nhiều động lực để can thiệp", ông Haqqani nói.

Căng thẳng leo thang nguy hiểm

Kashmir, khu vực có đa số dân theo đạo Hồi, từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ, quốc gia có đa số dân theo đạo Hindu, và Pakistan, quốc gia Hồi giáo. Cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ Kashmir nhưng hiện chỉ kiểm soát một phần, và từng nhiều lần lao vào chiến tranh vì khu vực này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ truy lùng những kẻ tấn công "đến tận cùng trái đất" và tuyên bố những người lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công tại Kashmir "sẽ phải chịu sự trừng phạt ngoài sức tưởng tượng". Nhiều chính trị gia và nhân vật công chúng Ấn Độ cũng gia tăng kêu gọi tiến hành hành động quân sự trả đũa Pakistan.

Sau vụ tấn công, Ấn Độ và Pakistan liên tục áp đặt các biện pháp trả đũa lẫn nhau, trong đó Pakistan đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Ấn Độ, còn Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước Nước sông Indus năm 1960 – một thỏa thuận quan trọng về việc phân chia nguồn nước từ hệ thống sông Indus.

Hai bên cũng nổ súng qua lại tại đường ranh giới kiểm soát (LoC) sau 4 năm tương đối yên bình.

Một nhóm vũ trang ít tên tuổi có tên "Kashmir Resistance" đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công thông qua mạng xã hội. Các cơ quan an ninh Ấn Độ cáo buộc nhóm này chỉ là bình phong cho các tổ chức phiến quân có trụ sở tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba và Hizbul Mujahideen.

Ned Price, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, cảnh báo rằng mặc dù chính quyền Trump đang xử lý vấn đề với sự nhạy cảm cần thiết, nhưng việc Mỹ thể hiện sự ủng hộ gần như vô điều kiện đối với Ấn Độ có thể khiến căng thẳng leo thang.

"Chính quyền Trump đã thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác Mỹ-Ấn, điều này là mục tiêu đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ cảm nhận rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ trong mọi tình huống, chúng ta có thể chứng kiến căng thẳng và bạo lực leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Price nói.

Theo Reuters, CNA

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-keu-goi-an-do-va-pakistan-kiem-che-sau-vu-tan-cong-dam-mau-tai-kashmir-post185039.html