Mỹ khẳng định hoàn toàn ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Theo Tổng thống Biden, Mỹ sẽ làm việc với Phần Lan và Thụy Điển để duy trì sự cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh chung của hai nước trong quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập NATO của hai nước.
Theo hãng tin Reuters, ngày 18-5, chính quyền Mỹ đã khẳng định sẽ hoàn toàn ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và hứa sẽ đứng về phía họ nếu bị Nga đe dọa.
Vài giờ sau khi hai quốc gia Bắc Âu chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh động thái này và cho biết ông sẽ làm việc cùng Quốc hội Mỹ và với các thành viên NATO khác để đảm bảo tiến trình diễn ra nhanh chóng.
"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ quyết định lịch sử này" - ông Biden nói, đồng thời nhấn mạnh Thụy Điển và Phần Lan là các "đối tác lâu năm, bền chặt" của Mỹ.
"Trong lúc đơn xin gia nhập NATO đang được xem xét, Mỹ sẽ làm việc với Phần Lan và Thụy Điển để duy trì sự cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh chung của hai nước, cũng như để ngăn chặn và đối đầu với một cuộc xâm lược hoặc đe dọa xâm lược nào" - chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố.
Phát biểu của Tổng thống Biden được đưa ra một ngày trước khi ông chào mừng Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đến Nhà Trắng để dự các cuộc họp bàn về sự thay đổi địa chính trị sau quyết định gia nhập NATO của 2 nước và trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đang tiếp diễn tại Ukraine.
Theo ông Biden, chính quyền Washington cam kết sẽ làm việc với hai nước để khắc phục các vấn đề quan trọng trên con đường trở thành thành viên NATO, bao gồm xử lý việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối đơn xin gia nhập của họ.
Tổng thống Erdogan kêu gọi NATO tôn trọng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ, giống như tất cả thành viên NATO khác đều có quyền phủ quyết việc ứng cử của một quốc gia, đã phản đối việc nộp đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan và nhiều lần cáo buộc hai nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, hỗ trợ các nhóm mà nước này coi là “khủng bố”.
Cuộc họp giữa đại diện các nước NATO tại Brussels hôm 18-5 cũng đã không đạt được sự đồng thuận về việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập NATO với Phần Lan và Thụy Điển do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các thành viên NATO "tôn trọng" những lo ngại của Ankara về Phần Lan và Thụy Điển.
"Kỳ vọng duy nhất của chúng tôi từ các đồng minh NATO là trước tiên hiểu được mối lo ngại của chúng tôi, tôn trọng điều đó và cuối cùng là ủng hộ nó" - ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại các cáo buộc của Ankara rằng Stockholm cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các thành viên của một nhóm khủng bố: “Chúng tôi không thể đồng thuận với một việc có thể làm cho an ninh của tổ chức này kém an toàn hơn".
“Chúng tôi rất nhạy cảm trong việc bảo vệ biên giới của mình trước các cuộc tấn công từ các tổ chức khủng bố” - ông Erdogan nói thêm.
"Việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO không thể được thực hiện cho đến khi những lo ngại có cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ được xóa tan. Nếu bạn muốn đội quân thứ hai của NATO bảo vệ bạn trong trường hợp bị xâm lược, bạn phải chấp nhận thực tế này" - trợ lý về truyền thông của ông Erdogan, ông Fahrettin Altun cho biết.
Mỹ "lạc quan về tương lai" gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào ngày 18-5 "để tái khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ với tư cách là đối tác và đồng minh của NATO", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Sau cuộc gặp, ông Cavusoglu cho hay cuộc đàm phán giữa ông với Ngoại trưởng Blinken "cực kỳ tích cực". Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết người đồng cấp Mỹ đã đảm bảo rằng Washington sẽ chuyển những thông điệp cần thiết đến các bên liên quan về mối quan ngại của Ankara.
Ông nhắc lại quan điểm của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ rằng NATO không thể chấp nhận các thành viên ủng hộ "những tổ chức khủng bố".
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Biden "tự tin" cho rằng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được giải quyết và Thụy Điển cùng Phần Lan sẽ sớm trở thành thành viên của NATO.
"Chúng tôi cảm thấy rất lạc quan về tương lai, về mọi thứ" - ông Sullivan nói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist đã có cuộc gặp tại Lầu Năm Góc với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Hai bộ trưởng đã thảo luận về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, cũng như hợp tác an ninh tạm thời giữa hai nước.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, Washington "vẫn đang làm việc với Ankara để làm rõ" các chi tiết cụ thể về việc nước này phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
“Bộ trưởng Austin đã nói rất rõ rằng Mỹ đảm bảo sẽ rất thoải mái khi làm việc cùng lực lượng quân đội của Thụy Điển trong nhiều năm tới. Thụy Điển và Phần Lan không phải là hai lực lượng quân đội xa lạ gì với Mỹ. Chúng tôi biết họ rất rõ, chúng tôi cũng đã từng hợp tác với họ” - ông Kirby chia sẻ.
Ông lưu ý thêm rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng thảo luận với hai nước về nhu cầu an ninh và năng lực mà họ cần sự trợ giúp từ Mỹ trước mối đe dọa từ Nga, nếu điều đó là cần thiết.