Mỹ khởi động chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân chiến lược tương lai

Mỹ đang ngắm tới việc sở hữu một vũ khí mới với khả năng răn đe hạt nhân và bảo vệ an ninh chiến lược của nước Mỹ trong tương lai.

Lực lượng hạt nhân trên bộ là một phần của "bộ ba" hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Lực lượng hạt nhân trên bộ là một phần của "bộ ba" hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Hôm 9/9, Lầu Năm Góc tuyên bố, hãng chế tạo Northrop Grumman sẽ chịu trách nhiệm phát triển chương trình Vũ khí chiến lược trên bộ (GBSD) mới, vốn là một phần trong “bộ ba” hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Với hợp đồng cả gói ước tính lên tới 85 tỷ USD cho tới cuối thập kỷ tới, Lầu Năm Góc kỳ vọng sẽ sở hữu thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới với khả năng răn đe hạt nhân và bảo vệ an ninh chiến lược của nước Mỹ trong tương lai.

“Người thay thế” Minuteman III

Dù chưa có tên mã chính thức, nhưng dòng ICBM mới được Northrop Grumman sẽ thay thế cho các đơn vị tên lửa LGM-30 Minuteman III hiện có của quân đội Mỹ. Chính vì thế, giới chuyên gia quân sự đã đặt biệt danh cho dòng ICBM tương lai là Minuteman IV.

Sau 6 thập kỷ phục vụ, LGM-30 Minuteman III đã bộc lộ nhiều vấn đề chiến thuật sử dụng và những thay đổi về chiến lược răn đe hạt nhân toàn cầu của Mỹ. Với tổng trọng lượng tên lửa đạt 35 tấn, ICBM LGM-30 Minuteman III có thể chở theo 3 đầu đạn nặng 1.150kg, có sức công phá tương đương 300 Kilotone/đầu đạn. Tuy nhiên, theo quy định của Hiệp định Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga), ICBM Minuteman III chỉ được mang 1 đầu đạn duy nhất. Quân đội Mỹ hiện triển khai khoảng 300 ICBM trong các giếng phóng cố định đặt tại căn cứ Malmstrom, Warren và Minot, chiếm 1/3 lực lượng hạt nhân trên bộ.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, LGM-30 Minuteman III dù rất có uy lực, nhưng vẫn có nhiều điểm hạn chế, trong đó đáng kể nhất là việc nó chỉ có duy nhất phiên bản giếng phóng cố định. Nhiều cường quốc hạt nhân khác (trong đó có Nga) bên cạnh các tên lửa chiến lược phiên bản giếng phóng đều sử dụng các tổ hợp ICBM cơ động đặt trên các xe chuyên dụng có khả năng cơ động cao. Bên cạnh đó, các đơn vị LGM-30 Minuteman III qua hàng chục năm phục vụ đều đã cũ và ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Đây chính là tiền đề để Lầu Năm Góc quyết định “thay máu” lực lượng hạt nhân trên bộ.

Trong năm 2019, khi nhà thầu Boeing bị loại khỏi GBSD do không đáp ứng được thời gian phát triển nguyên mẫu ICBM mới, Northrop Grumman đã trở thành nhà thầu duy nhất tham gia vào quá trình phát triển ICBM Minuteman IV. Theo kế hoạch của Northrop Grumman, quá trình phát triển dòng ICBM mới sẽ kéo dài trong 8,5 năm với mức chi phí khoảng 13,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí mua sắm tên lửa mới, con số này sẽ tăng lên 85 tỷ USD.

Hiện quá trình phát triển ICBM Minuteman IV đang trong quá trình phác thảo, nhưng theo lời Chuẩn tướng Anthony Genatempo, lãnh đạo Chương trình phát triển vũ khí chiến lược tương lai của Lầu Năm Góc, Northrop Grumman đã có những phương án đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của quân đội Mỹ, cũng như sử dụng tốt nhất nguồn ngân sách được phân bổ. ICBM Minuteman IV sẽ là đối trọng với các dòng ICBM Sarmat của Nga hay dòng ICBM mới của Trung Quốc. Nó cũng được tích hợp các công nghệ để tương thích với các dòng vũ khí siêu vượt âm tương lai.

Chương trình nâng cấp nghìn tỷ USD của Lầu Năm Góc đang vấp phải sự phản đối từ giới lập pháp Mỹ.

Chương trình nâng cấp nghìn tỷ USD của Lầu Năm Góc đang vấp phải sự phản đối từ giới lập pháp Mỹ.

Liệu có cần thiết?

Sự tốn kém của các chương trình vũ khí chiến lược mới đang tạo ra sự bất đồng trong giới lập pháp Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ Đảng Dân chủ và nhà sản xuất phi hạt nhân. Họ cho rằng, Lầu Năm Góc đang lãng phí tiền đóng thuế của người dân Mỹ. Việc chi tới cả nghìn tỷ USD cho một chương trình vũ khí mới là quá tham vọng và điều này hoàn toàn có thể thay thế bằng việc nâng cấp các đơn vị vũ khí hạt nhân hiện có. Thậm chí, nhiều nhà lập pháp Mỹ còn vận động cho việc giải giáp hoàn toàn lực lượng hạt nhân trên bộ để tiết kiệm chi phí. Việc duy trì những hệ thống vũ khí hủy diệt đã có tuổi đời hàng chục năm ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn và báo động giả.

“Nước Mỹ đang phải đối phó với những mối nguy cơ sát sườn hơn như dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi hơn 200.000 mạng sống. Chúng ta không nên lãng phí nguồn lực cho những loại vũ khí có thể không bao giờ phải sử dụng. Thay vì đầu tư hàng tỷ USD cho việc phát triển ICBM mới, chúng ta có thể sử dụng nó để duy trì hệ thống hiện tại và ngăn ngừa các mối nguy cơ từ xa”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry nhấn mạnh.

Thực tế, GBSD chỉ là một phần trong chương trình “thay máu” lực lượng hạt nhân chiến lược trong 30 năm tới, ước khoảng 1.200 tỷ USD của Lầu Năm Góc. Lãnh đạo Cơ quan An ninh hạt nhân Mỹ, Frank Klotz cho biết, lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ trong tương lai sẽ được trang bị 3 dòng vũ khí hạt nhân mới phiên bản lục quân, hải quân và 2 dòng mới cho không quân.

Cụ thể, bên cạnh ICBM Minuteman IV, Hải quân Mỹ sẽ đưa vào trang bị các tàu ngầm chiến lược lớp Columbia mới, còn Không quân Mỹ sẽ có sự góp mặt của máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider. Cùng với đó, hàng trăm tỷ USD sẽ được sử dụng để nâng cấp toàn bộ hệ thống chỉ huy vũ khí chiến lược mới để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu ở cấp độ cao nhất. Lầu Năm Góc dự kiến, trong các năm tài khóa tới, khoảng 5,5% ngân sách quốc phòng hằng năm của Mỹ sẽ được phân bổ cho chương trình hiện đại hóa vũ khí chiến lược. Con số này sẽ giảm dần xuống mức 4,5% trong thập kỷ 2030.

Nhiều chuyên gia phân tích quân sự quốc tế đánh giá, việc Mỹ tập trung nguồn lực cho chương trình nâng cấp vũ khí chiến lược mới đang tạo sức ép rất lớn tới ngân sách quốc phòng hằng năm. Quá trình này có thể kéo Mỹ tiếp tục tụt hậu trong các lĩnh vực vũ khí tương lai như vũ khí siêu vượt âm hay đối kháng điện tử so với các quốc gia đối thủ tiềm tàng.

(theo QĐND)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-khoi-dong-chuong-trinh-nang-cap-vu-khi-hat-nhan-chien-luoc-tuong-lai-123651.html