Mỹ khôi phục 'nghĩa địa máy bay' để F-16 tiếp tục chiến đấu tại Ukraine

Từ giữa sa mạc khô cằn của bang Arizona (Mỹ), nơi nắng gắt phủ lên những xác máy bay nằm im lìm trong 'nghĩa địa' quân sự lớn nhất thế giới, một hoạt động âm thầm nhưng chiến lược đang diễn ra.

Mỹ đã bắt đầu rút các máy bay F-16 từ kho lưu trữ tại căn cứ không quân Davis-Monthan (thuộc bang Arizona), không phải để đưa chúng trở lại bầu trời, mà để tháo dỡ lấy linh kiện, chuyển sang Ukraine. Đây được xem là bước đi linh hoạt nhằm hỗ trợ phi đội F-16 non trẻ của Ukraine mà không cần viện trợ thêm máy bay mới.

Mỹ gửi những chiếc F-16 đã nghỉ hưu từ "bãi phế liệu" Davis-Monthan để sử dụng làm phụ tùng thay thế. (Nguồn: X/Clash Report)

Quyết định này được công bố cuối tháng 4, thể hiện cách tiếp cận cân bằng giữa nhu cầu hậu cần, thông điệp địa chính trị và quản lý tài nguyên trong bối cảnh tình hình toàn cầu phức tạp.

Từ 'nghĩa địa máy bay' đến chiến sự Ukraine

F-16 Fighting Falcon, chiến đấu cơ một động cơ đa nhiệm, đã là trụ cột của không quân Mỹ từ năm 1978. Với thiết kế nhỏ gọn, động cơ mạnh mẽ và khả năng mang nhiều loại vũ khí, F-16 được đánh giá cao về tính linh hoạt và hiệu quả chi phí.

Hơn 4.500 chiếc đã được sản xuất và phục vụ tại hàng chục quốc gia, trong đó có Ukraine, quốc gia bắt đầu nhận F-16 từ châu Âu từ năm 2024.

Tuy nhiên, những chiếc F-16 đang được tháo linh kiện tại Davis-Monthan chủ yếu là phiên bản cũ Block 25 và Block 30, đã bị loại biên khi các mẫu hiện đại hơn và máy bay thế hệ thứ năm như F-35 được đưa vào phục vụ.

Chúng được bảo quản bởi Nhóm Bảo dưỡng và Cải tạo không gian vũ trụ (AMARG) số 309 trong điều kiện khí hậu sa mạc khô ráo, giúp ngăn chặn ăn mòn.

Trong số gần 4.000 máy bay tại đây, có khoảng 340 chiếc F-16. Quá trình tháo dỡ cho phép lấy các linh kiện còn sử dụng được như động cơ, thiết bị điện tử, bánh đáp hay cánh máy bay để tái sử dụng hoặc nâng cấp.

Phụ tùng – yếu tố then chốt cho không quân Ukraine

Ukraine đang sở hữu phi đội F-16 mới được các nước như Hà Lan và Đan Mạch viện trợ. Dù vậy, việc duy trì hoạt động cho số máy bay này là thách thức lớn, khi mỗi giờ bay đòi hỏi hàng trăm giờ bảo trì. Do đó, các linh kiện từ Mỹ có vai trò quan trọng trong việc giữ cho máy bay luôn sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 26/4, một máy bay vận tải Antonov An-124 của Ukraine được phát hiện đang chở thân máy bay F-16 tại căn cứ Davis-Monthan, tín hiệu đầu tiên xác nhận hoạt động chuyển giao.

Việc vận chuyển linh kiện máy bay cỡ lớn qua Đại Tây Dương, có thể đến các trung tâm như Rzeszów (Ba Lan), đòi hỏi sự phối hợp hậu cần phức tạp. Sau đó, các kỹ thuật viên Ukraine phải tích hợp linh kiện từ máy bay Mỹ vào các F-16 do châu Âu viện trợ, vốn có thể khác biệt về cấu hình.

Nền tảng bảo trì hàng không của Ukraine, vốn đã căng thẳng vì chiến sự kéo dài, sẽ cần thích nghi với những linh kiện này, trong đó một số bộ phận có thể cần tân trang hoặc hiệu chỉnh lại.

Viện trợ kín đáo nhưng hiệu quả

Thay vì cung cấp trực tiếp máy bay chiến đấu, Mỹ chọn cách trích xuất phụ tùng từ kho dự trữ, giải pháp vừa hiệu quả vừa tránh làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp. Bằng cách này, Washington không làm suy giảm năng lực không quân hiện tại của mình và tránh gây phản ứng mạnh từ phía Nga.

Đây cũng là động thái bổ sung cho các nước NATO đã cam kết chuyển giao hàng chục chiếc F-16 cho Ukraine. Theo người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ Christopher G. Cavoli, các máy bay F-16 đang thực hiện nhiệm vụ ném bom và đánh chặn tên lửa hành trình tại Ukraine. Việc có thêm phụ tùng thay thế sẽ kéo dài thời gian hoạt động của chúng trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.

Trước đây, căn cứ Davis-Monthan từng hỗ trợ đồng minh Mỹ bằng cách cung cấp phụ tùng máy bay cho Israel, Hàn Quốc, Pakistan và Thái Lan. Khả năng giữ máy bay trong tình trạng "có thể phục hồi" giúp Mỹ phản ứng nhanh với nhu cầu quốc tế. Năm 2024, hai máy bay ném bom B-1 cũng được lấy ra từ kho này để đưa trở lại phục vụ.

Thách thức về tính bền vững

Dù giúp Ukraine giải quyết nhu cầu cấp bách, giải pháp này cũng đặt ra những giới hạn rõ ràng. F-16 Ukraine vẫn đối mặt với mối đe dọa lớn từ các hệ thống phòng không như S-400 và tiêm kích MiG-31 trang bị tên lửa tầm xa R-37M của Nga.

Tỷ lệ tổn thất cao có thể vượt quá khả năng cung cấp phụ tùng, nhất là khi các nước châu Âu khó tiếp tục viện trợ máy bay mới.

Về phía Nga, lực lượng không quân gồm Su-27, Su-30 và Su-35, là các máy bay lớn hơn, tầm bay xa hơn, được thiết kế để chiếm ưu thế trên không. Tuy nhiên, việc bảo trì chúng cũng gặp khó khăn do lệnh trừng phạt phương Tây giới hạn nguồn linh kiện công nghệ cao.

Trung Quốc, một đối thủ tiềm năng khác đang sở hữu các tiêm kích tàng hình J-20 và tiêm kích J-10 tương đương F-16. Điều này buộc Mỹ phải phân bổ nguồn lực viện trợ một cách thận trọng để không ảnh hưởng đến ưu thế toàn cầu.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/my-khoi-phuc-nghia-dia-may-bay-de-f-16-tiep-tuc-chien-dau-tai-ukraine-169250502073621719.htm