Mỹ không có phương án bảo trì vũ khí cho Ukraine

Theo Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc đã không chuẩn bị trước các kế hoạch đầy đủ để hướng dẫn lực lượng Ukraine bảo trì các phương tiện chiến đấu như xe tăng M1 hay hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Binh sĩ Ukraine bắn máy bay không người lái trên hướng Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 20/2. Ảnh: Getty Images

Binh sĩ Ukraine bắn máy bay không người lái trên hướng Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 20/2. Ảnh: Getty Images

“Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine xe bọc thép và hệ thống phòng không mà không có kế hoạch đảm bảo tính hữu dụng lâu dài của chúng”, Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Storch cho biết trong báo cáo ngày 21/2, theo Bloomberg.

Ông nói rằng: “Mặc dù Bộ Quốc phòng đang nỗ lực phát triển một kế hoạch như vậy, nhưng việc thiếu tầm nhìn xa trong vấn đề này là điều đáng lo ngại và cần được khắc phục kịp thời”.

Quan chức này chỉ ra rằng, Lầu Năm Góc “đã cung cấp các khóa đào tạo vận hành và bảo trì cơ bản về hệ thống phòng không Patriot, các bộ phận và vật tư ban đầu”, nhưng không thiết lập “đào tạo nâng cao để giải quyết các nhiệm vụ bảo trì, quy trình dự đoán nhu cầu duy trì, hệ thống cung cấp linh kiện thay thế, hoặc các cơ sở vật chất cần thiết”.

Lầu Năm Góc cũng chuyển giao một số phụ tùng thay thế, đạn dược và hỗ trợ bảo trì, nhưng họ “không điều phối hoặc điều chỉnh những nỗ lực đó thành một kế hoạch duy trì toàn diện”, ông Storch cho hay.

Tính đến tháng 8/2023, Lầu Năm Góc đã hoặc đang chuyển giao 186 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 189 xe chiến đấu bộ binh Stryker, 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams và một số lượng hệ thống tên lửa phòng không Patriot không xác định cho Ukraine.

Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng nếu không có sự hỗ trợ bảo trì vũ khí theo kế hoạch, “Ukraine sẽ không thể duy trì các hệ thống vũ khí này trong cuộc chiến với Nga”. Ông cảnh báo số vũ khí của Kiev có thể sẽ không thể duy trì được qua tháng 10 năm nay.

Trước đó, khi thảo luận về vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh sự cần thiết của một kế hoạch bảo trì lâu dài.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, Mỹ trở thành bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine khi cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp, cũng như các hình thức viện trợ gián tiếp, hỗ trợ tài chính và nhân đạo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn viện trợ để Mỹ gửi thêm vũ khí cho Ukraine bị cản trở bởi đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nhu cầu duy trì số vũ khí đã được chuyển giao cho Kiev càng trở nên quan trọng hơn khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ 3.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ít nhất một hệ thống phòng không tên lửa Patriot của Mỹ đã bị tên lửa siêu thanh của Moscow phá hủy. Trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái của Ukraine, Kiev được cho là đã thiệt hại nhiều xe chiến đấu bộ binh Bradley và Stryker do phương Tây chuyển giao.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-khong-co-phuong-an-bao-tri-vu-khi-cho-ukraine-post31900.html