Mỹ không nên để chiến tranh thương mại lan tới Việt Nam?

Để có câu trả lời hợp lý (logic) cho câu hỏi này, chúng ta cần xem xét lập luận phía sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay và đánh giá liệu nó có thể được sử dụng để bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Việt Nam hay không.

Trước hết, cần xem xét sự hợp lý của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

 Mỹ nên bảo vệ và thúc đẩy thương mại với Việt Nam như một phần đối trọng với các mục tiêu chính trị của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Mỹ nên bảo vệ và thúc đẩy thương mại với Việt Nam như một phần đối trọng với các mục tiêu chính trị của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Phi logic

Lý thuyết kinh tế và các bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng thương mại tự do trong thị trường quốc tế thường tạo ra lợi ích (cả hai bên tham gia đều có lợi), trong khi chiến tranh thương mại thường gây ra tổn thất cho cả hai bên. Khi một quốc gia tham gia vào thương mại tự do hoặc chiến tranh thương mại, dù là trường hợp nào, cũng sẽ có người được hưởng lợi và người bị thiệt. Nhưng nhìn chung từ khía cạnh quốc gia, thương mại tự do đem lại lợi ích trong khi chiến tranh thương mại mang đến điều ngược lại.

Một chính sách kinh tế tốt được thực thi khi các cơ quan hoạch định chính sách làm hết sức mình để cân nhắc những điều quốc gia phải đánh đổi khi áp dụng chính sách này. Khi một người hoạch định chính sách như Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối thừa nhận rằng, trong đất nước mình có nhiều mục tiêu lợi ích khác nhau và bỏ qua những điều phải đánh đổi khi áp dụng các chính sách của mình, không có gì quá ngạc nhiên khi chiến tranh Mỹ - Trung nổ ra.

Một nền tảng sai lầm

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thâm hụt cán cân thương mại đồng nghĩa với sự dịch chuyển lợi ích kinh tế trong nước ra nước ngoài (thâm hụt cán cân thương mại được đo bằng lượng của cải mà người nước ngoài “ăn cướp của chúng ta”). Ông Trump kiên quyết từ chối thừa nhận việc thặng dư mà Trung Quốc kiếm được từ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ sẽ chảy ngược trở lại Mỹ khi Trung Quốc mua các tài sản của Chính phủ Mỹ hoặc đầu tư tư nhân tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thâm hụt thương mại là nguyên nhân tăng thất nghiệp, và bỏ qua thực tế rằng, trong lịch sử, thâm hụt thương mại càng lớn, tỷ lệ thất nghiệp càng thấp và tỷ lệ người lao động có việc làm càng cao.

Ông Trump cũng bỏ qua việc chính thị trường, chứ không phải chính phủ, là lý do gây nên sự biến động của tỷ giá hối đoái. Theo ông Trump, Trung Quốc đang thao túng tỷ giá hối đoái để làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ.

Ngân hàng trung ương một nước, tất nhiên, hoàn toàn có thể cố tình thao túng, mua ngoại hối trên thị trường để hạ thấp giá trị đồng tiền của nước mình và đạt được lợi thế cạnh tranh trong giao thương quốc tế. Tuy nhiên, hành động này sẽ làm tăng lượng cung đồng nội tệ và dần dẫn đến lạm phát trong nước.

Thường xuyên thao túng giá trị nội tệ đòi hỏi ngân hàng trung ương phải áp dụng chính sách thanh khoản đối ứng (trong đó ngân hàng trung ương sẽ mua vào ngoại tệ và đồng thời bán ra các tài sản trong nước để giảm thiểu tác động của lạm phát). Trên thực tế, Trung Quốc thực hiện chính sách này trong thập niên 2000, nhưng đã ngưng áp dụng những năm sau đó.

Mục đích chính của việc áp dụng chính sách này là Trung Quốc muốn định hướng xuất khẩu và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm triệu lao động nông thôn bị thất nghiệp sau những sai lầm của giai đoạn lịch sử trước đó. Việc bảo hộ tỷ giá đem lại lợi ích cho Trung Quốc, và có thể cả Mỹ, nhưng không phải cho tất cả.

Công việc của một bộ phận người Mỹ bị mất vì sự cạnh tranh đến từ các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, mặc dù một bộ phận khác (đặc biệt là các khoản vay của chính phủ và tư nhân) đã hưởng lợi ích từ chính sách bảo hộ tỷ giá ngoại tệ của Trung Quốc(1).

Vì sao Mỹ không nên để chiến tranh thương mại lan tới Việt Nam?

Tổng giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2017 lớn thứ 16 trong các nước giao dịch với Mỹ. Tỷ lệ giữa cán cân thương mại (xuất khẩu trừ nhập khẩu) trên tổng giá trị thương mại (xuất khẩu cộng nhập khẩu) giữa Mỹ và Việt Nam năm 2017 lớn hơn tỷ lệ này của bất cứ quốc gia nào, thậm chí cả Trung Quốc(2).

Nhưng vì sao Mỹ không nên để chiến tranh thương mại lan tới Việt Nam?

Đó là vì những lý do tương tự mà Mỹ không nên tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ có những khiếu nại hợp pháp chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc, chủ yếu liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và những trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ nên tập trung chống lại những chính sách này thay vì hạn chế các hoạt động thương mại song phương với Trung Quốc. Chính sách tốt nhất là chính sách giải quyết cốt lõi của vấn đề và tránh gây ra những hậu quả tiêu cực không mong muốn.

Một lý do khác mà Mỹ không nên để chiến tranh thương mại lan sang Việt Nam là vị trí Việt Nam hoàn toàn khác với Trung Quốc, Việt Nam không phải mối đe dọa chính trị đối với Mỹ. Không có bất kỳ vấn đề chiến lược nào giữa Mỹ và Việt Nam cần hỗ trợ giải quyết bằng cách tận dụng chiến tranh thương mại. Nếu có, thì đó sẽ là Mỹ nên bảo vệ và thúc đẩy thương mại với Việt Nam như một phần đối trọng với các mục tiêu chính trị của Trung Quốc.

Kết luận

(*) Giáo sư danh dự Kinh tế quốc tế tại Đại học Johns Hopkins

(**) Phó giáo sư quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Rutgers

(1) See J. Riedel, “Costs and Benefits of Exchange Rate Protection in China,” Asia Pacific Economic Literature, Vol. 32, No 1, 2018, 3-17.

(2) Vietnam: (X-M) = 38.1, (X+M) = 54.6, Relative Imbalance = 38.1/54.6 = 0.70—X & M in US$ billions
China: (X-M) = 375.6, (X+M) = 635.4, Relative Imbalance = 375.6/635.4 = 0.59—X & M in US$ billions
Source: US International Trade Administration: https//www.trade.gov/ Retrieved July 13, 2018.

James Riedel(*) - Markus Taussig(**)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293322/my-khong-nen-de-chien-tranh-thuong-mai-lan-toi-viet-nam.html