Mỹ không phát hiện thao túng tiền tệ từ các đối tác thương mại lớn

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng nào, nhưng thường xuyên bày tỏ lo ngại về các hoạt động ngoại hối của Trung Quốc.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong báo cáo bán niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác thương mại lớn của Mỹ" công bố ngày 14/11 Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ có hành vi thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá bốn quý tính đến tháng 6/2024.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng nào, nhưng thường xuyên bày tỏ lo ngại về các hoạt động ngoại hối của Trung Quốc trong các báo cáo tiền tệ bán niên.

Phân tích mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy trong bốn quý tính đến ngày 30/6 vừa qua, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ đáp ứng cả ba tiêu chí để bị đưa vào diện phải phân tích sâu hơn về các hoạt động tiền tệ. Ba tiêu chí đó là thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu trên 3% GDP và mua ròng ngoại hối một chiều liên tục. Quá trình phân tích sâu hơn này sẽ dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể là các biện pháp trừng phạt thương mại.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tên trong "danh sách theo dõi" để xem xét thêm về ngoại hối. Malaysia, quốc gia nằm trong danh sách này ở báo cáo trước đó, đã được rút ra, trong khi Hàn Quốc được đưa vào danh sách theo dõi do thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn và thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ đáng kể với Mỹ. Các quốc gia đáp ứng hai trong số ba tiêu chí nói trên sẽ tự động bị thêm vào danh sách này.

Bộ Tài chính cho biết Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách theo dõi do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và chính sách ngoại hối chưa minh bạch. Báo cáo lưu ý rằng mặc dù cán cân tài khoản vãng lai của Trung Quốc giảm nhẹ xuống còn 1,2% GDP, nhưng lượng xuất khẩu của nước này đã tăng mạnh, cho thấy giá xuất khẩu giảm.

Báo cáo tiền tệ của Mỹ cũng cho biết Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách theo dõi do có thặng dư thương mại 65 tỷ USD với Mỹ trong giai đoạn xem xét, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu tăng từ 2% GDP một năm trước lên 4,2% GDP.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhật Bản đã ba lần can thiệp kể từ tháng Tư để hỗ trợ giá trị của đồng yen: vào ngày 29/4, ngày 1/5 và ngày 11-12/7. Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng các hành động này của Nhật Bản là minh bạch, nhưng nhấn mạnh chỉ nên can thiệp trong "những trường hợp rất đặc biệt mà không cần tham vấn trước".

Ông Trump thường xuyên phàn nàn rằng đồng USD mạnh đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh thương mại của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Steven Mnuchin “dán nhãn” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019, thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ở đỉnh điểm.

Bộ Tài chính Mỹ đã bỏ việc “dán nhãn” này vào tháng 1/2020, khi các quan chức Trung Quốc đến Washington để ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, trong phần lớn bốn năm qua, các can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại của Mỹ đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại, tức là đẩy giá trị đồng tiền của họ lên so với đồng USD, chủ yếu là để chống lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-khong-phat-hien-thao-tung-tien-te-tu-cac-doi-tac-thuong-mai-lon-post993593.vnp