Tiêm kích tàng hình J-20 là thành tựu đáng được ghi nhận của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khi đã vượt qua cái bóng của việc sao chép thiết kế nước ngoài.
Đặc biệt, việc bổ sung động cơ nội địa là một bước tiến lớn của ngành hàng không Trung Quốc, khiến họ trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa.
Mặc dù J-20 là một loại máy bay có khả năng riêng nhưng giới chức quân sự Mỹ không thực sự đánh giá cao phương tiện này, thậm chí còn có ý kiến cho rằng nó chỉ là "hổ giấy".
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề thường niên của Hiệp hội Lực lượng Không quân & Vũ trụ 2023 hồi đầu tháng này, Tướng Kenneth Wilsbach đã đưa ra nhận định đáng chú ý.
Người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết “Tôi không nghĩ rằng tiêm kích tàng hình J-20 là máy bay chiến đấu thống trị vào thời điểm này, so với những gì chúng ta có".
Bình luận này phản ánh sự đồng thuận chung của các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ về khả năng của Trung Quốc, mặc dù không phải nghi ngờ về thực tế J-20 đại diện cho một công nghệ đáng gờm.
Cho dù phần lớn khả năng của J-20 vẫn còn là một dấu hỏi do tính chất bảo mật cao, nhưng rõ ràng nó có khả năng tàng hình khá tốt dựa trên thiết kế khi cánh và thân kết hợp, với bộ ổn định dọc đặt nghiêng và lớp phủ tàng hình.
Hơn nữa, J-20 được cho là có hệ thống cảm biến quang học EOTS-86 để phát hiện các mục tiêu tàng hình - tương tự như IRST của F-35. Động cơ mới của J-20 được phát triển nội bộ, mang lại cho máy bay sức mạnh vượt trội.
Mặc dù không mạnh bằng từng động cơ đơn lẻ Pratt và Whitney F135 được lắp trên F-35, nhưng do thiết kế động cơ kép khiến J-20 có lực đẩy cao hơn F-35 hoặc F-22.
Khi so sánh J-20 với F-22 và F-35, có một số điểm chính cần rút ra. Thật đơn giản để so sánh các chỉ số như tải trọng hoặc lực đẩy (J-20 chiến thắng ở cả hai hạng mục này), tuy nhiên điều đó lại bỏ qua "cả một rừng cây".
Điều chưa rõ ràng nhất trên J-20 là bộ cảm biến và khả năng kết nối mạng. Lý thuyết tác chiến trên không hiện nay dựa vào các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn (BVR).
Theo đó máy bay đối phương nào có thể xác định, theo dõi và phóng tên lửa chống lại đối thủ trước sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Cho đến nay, có vẻ như các hệ thống cảm biến của Mỹ vẫn duy trì được lợi thế trong lĩnh vực này.
Khả năng phát hiện đối phương được tăng cường nhờ tính chất nối mạng chiến trường mà Mỹ tích hợp vào từng phương tiện chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.
F-35 có thể giao tiếp với lực lượng dưới mặt đất, trên không và thậm chí cả trên không gian để xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh hơn về không gian chiến đấu, từ đó nâng cao nhận thức về tình huống của phi công.
Điều này vừa giúp tối đa hóa khoảng thời gian phát hiện mục tiêu của F-35 vừa cho phép nó “tiến lùi” hoặc điều khiển các phương tiện khác có thể không được trang bị cảm biến tương tự để tham gia tấn công.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) hiện đang trong kế hoạch phát triển sẽ giúp Mỹ tiến thêm một bước nữa trong việc duy trì ưu thế. Theo nhận xét, những tính năng trên J-20 còn xa mới bắt kịp sản phẩm của Mỹ.