Mỹ không thể chấp nhận Trung Quốc trở thành bá quyền trong khu vực

Trung Quốc muốn tạo ra cái bóng che phủ khu vực nhằm buộc các nước khác điều chỉnh chiến lược an ninh hay quan hệ thương mại theo ý của họ.

Đây là khẳng định của chuyên gia Elbridge Colby, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ tại buổi thảo luận về Chính sách Quốc phòng Quốc gia của Mỹ diễn ra ngày 23.8 tại Hà Nội.

Chuyên gia Elbridge Colby, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ

Chuyên gia Elbridge Colby, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ

Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ là “vũ đài” chính của Mỹ

Chuyên gia Elbridge Colby cho biết Mỹ luôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong tuyên bố cũng như trong chiến lược quốc phòng của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rất rõ Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ là “vũ đài “chính của Mỹ trong thời gian tới vì đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng và cũng là thị trường lớn nhất thế giới.

Từ lâu, Mỹ đã có lợi ích trong khu vực này, xét về khía cạnh thương mại cũng như hợp tác với các nước trong khu vực. Ông Elbridge Colby nhấn mạnh Mỹ mong muốn được kết nối giao thương, hợp tác với các nước trong khu vực một cách tự do, cởi mở và hy vọng sự hợp tác này sẽ mang lại thịnh vượng chung.

Theo ông Elbridge Colby, quan điểm của Mỹ là muốn có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở tự do. Nội hàm của khái niệm này là các quốc gia trong khu vực có quyền tự quyết định định tương lai và vận mệnh của chính bản thân họ.

Tham vọng “bá quyền” của Trung Quốc

Chuyên gia Elbridge Colby cho biết, liên tục trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất cao. Nước này cũng phát triển mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo, nâng cao năng lực và hệ thống tấn công bằng tên lửa. Song song với phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự thì Trung Quốc ngày càng đặt ra những thách thức hết sức nghiêm trọng đối với khu vực.

Ông nêu rõ: “Theo nhận định của Chính phủ và giới chuyên gia Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách trở thành bá quyền trong khu vực, không phải bằng hành động chiến đấu trực tiếp theo cách hiểu thông thường, mà cố gắng gây ảnh hưởng, tạo ra cái bóng che phủ trong khu vực, nhằm buộc các quốc gia khác điều chỉnh chiến lược an ninh hay xác lập quan hệ thương mại. Trung Quốc muốn các nước khác tuân theo luật chơi của họ. Đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận”.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại thiếu công bằng, như hậu thuẫn doanh nghiệp nội địa và ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường nước này. Ông Elbridge Colby khẳng định: “Thực tế, trong thời gian qua, chúng ta đã thấy các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc bị lấn át ra sao và Bắc Kinh giờ muốn mở rộng cách thức làm ăn như vậy không chỉ trong nước mà còn ra cả khu vực Châu Á và không quốc gia nào muốn sống trong một tương lai chịu sự lấn át như vậy của Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tham vọng của nước này mà không quan tâm đến lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực.

Đối phó bằng sức mạnh tập thể

Theo chuyên gia Elbridge Colby, khi phải đối phó với nỗ lực tìm cách chi phối của một nước lớn, lẽ tất nhiên các quốc gia khác sẽ xích lại gần nhau hơn, đó là sự phối hợp về chiến lược quốc phòng, về kinh tế, chính trị. “Các nước trong khu vực ASEAN cần nỗ lực hợp tác với nhau để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh”, ông nhấn mạnh.

Sớm nhận ra chiến lược của Trung Quốc, Mỹ đã có nhiều thay đổi thay đổi về mặt chính sách, đưa ra đường hướng kiên quyết hơn trên các mặt trận từ kinh tế, chính trị đến quân sự.

Về mặt kinh tế, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liên tục tung đòn áp thuế, buộc Trung Quốc phải đưa ra những nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại. Phía Mỹ cho rằng, cách thức này sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại, gạt bỏ những quy định thiếu công bằng. Ông Elbridge Colby nhấn mạnh trong bối cảnh Mỹ ngày càng gây sức ép về kinh tế với Trung Quốc thì đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam vì các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm đến một quốc gia khác tiềm năng hơn để đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất.

Về mặt chính trị, các cam kết của Mỹ với khu vực rất rõ ràng, được thể hiện qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Mỹ công bố tháng 6.2019 cũng như chiến lược quốc phòng của Mỹ. Song song với việc củng cố quan hệ liên minh với Nhật Bản, Australia, Philippines, Mỹ ủng hộ các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ hay Việt Nam tăng cường sức mạnh và khẳng định chủ quyền của mình.

Về mặt quân sự, Mỹ đang tìm cách ứng phó với những động thái và tiềm lực quân sự của Trung Quốc, bằng cách xây dựng và nâng cao hệ thống AD/A2, đó là hệ thống chống tiếp cận và chống đột nhập, ngăn chặn khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực trong khu vực hay áp dụng chiêu bài “tạo sự đã rồi”.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường sức mạnh các liên minh để từ đó có thể đủ sức răn đe Trung Quốc, ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Ông nêu rõ: “Điều mà Mỹ mong muốn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tạo ra một cán cân thuận lợi bằng cách đưa các đồng minh, các đối tác của Mỹ vào một mạng lưới tổng hợp sức mạnh để khiến Trung Quốc cần phải dè chừng khi thực hiện bất cứ hành động nào”.

Ông Elbridge Colby, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chiến lược và Phát triển lực lượng, là đồng sáng lập và giám đốc của The Marathon Initiative, một sáng kiến mới tập trung vào việc thúc đẩy tư duy và chính sách về cạnh tranh đại cường cho Mỹ và các đồng minh cùng đối tác.

HỒNG ANH (VOV)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/my-khong-the-chap-nhan-trung-quoc-tro-thanh-ba-quyen-trong-khu-vuc-114919