Mỹ không thể làm ngơ với tuyên bố thử tên lửa mới nhất của Trung Quốc
Vụ thử có thể là bằng chứng cho thấy Trung Quốc dần hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, nhiều lớp, có thể đối trọng với cả Mỹ và Ấn Độ.
Hình ảnh minh họa được đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc về cuộc thử nghiệm hệ thống phòng không chống tên lửa đạn đạo năm 2018
Mỹ có thể đã biết trước Trung Quốc sẽ thử tên lửa
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin có bài phân tích về việc Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công công nghệ đánh chặn tên lửa, trong một bài bình luận đăng tải trên báo Sputnik ngày 9/2.
Cụ thể, chuyên gia quân sự Nga chỉ ra, vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo ngay tại giai đoạn giữa hôm 4/2 vừa rồi, là lần thứ 5 quân đội Trung Quốc công bố về hoạt động thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đất đối không.
Động thái này không hề gây bất ngờ vì nhiều quân đội nước ngoài đã dự đoán trước được điều này. Ngay trước thời điểm Trung Quốc thử nghiệm, Mỹ đã đưa máy bay RC-135 Cobra Ball, chuyên dùng để thu thập dữ liệu, thông tin tình báo về các vụ phóng tên lửa, tới Nhật Bản.
Lần đầu tiên Trung Quốc công bố thử nghiệm công nghệ tên lửa đánh chặn này là vào tháng 1/2010, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ thực hiện một vụ đánh chặn tên lửa ngoài bầu khí quyển Trái Đất. Những lần thử nghiệm sau đó là vào năm 2013, 2014, 2018 và tất cả đều thành công như lời Bắc Kinh khẳng định.
Trung Quốc đang hoàn thiện hệ thống tên lửa đánh chặn nhiều lớp
Trong đó, cuộc thử nghiệm năm 2018 được Trung Quốc coi là minh chứng cho khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa của Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa hé lộ dù chỉ một chi tiết nhỏ về thiết kế liên quan tới công nghệ đánh chặn mới này.
Theo báo cáo công khai thường niên của Lầu Năm Góc về năng lực quân sự của Trung Quốc, được công bố tháng 9 năm ngoái. Trung Quốc đang phát triển công nghệ vũ khí tiêu diệt vệ tinh bằng động năng (kinetic-kill) để triển khai cho tên lửa đánh chặn, tạo thành lớp bảo vệ trên cùng của hệ thống tên lửa phòng không nhiều lớp.
Trang tin The Drive dẫn nhiều báo cáo khác cho biết, đây rất có thể là hoạt động mở rộng cho dự án chế tạo một loạt tên lửa chống vệ tinh Động Năng mà Trung Quốc đã hoàn thành trước đó. Trung Quốc bắt đầu chế tạo phương tiện đánh chặn từ những năm 1990.
Theo nhà phân tích người Nga Vasily Kashin, ngoài hệ thống bí ẩn đang được thử nghiệm, Trung Quốc còn phát triển một hệ thống tên lửa đất đối không được gọi là HQ-19, đối trọng với hệ thống Standard Missile-3 (SM-3) của Mỹ.
HQ-19 được đánh giá vừa có thể đánh chặn vệ tinh ở quỹ đạo thấp vừa đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo mạnh hơn, kể cả tên lửa xuyên lục địa giai đoạn cuối.
Một tổ hợp tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo khác là Động Năng 3 (DN-3) cũng đang được thử nghiệm từ năm 2007, có thiết kế phục vụ mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.000 km, tại giai đoạn giữa.
"Hổ mọc thêm cánh"
Qua việc nghiên cứu thành công những công nghệ có độ khó cực cao như vậy, trong tương lai, khi các hệ thống vũ khí này được triển khai, Trung Quốc "như hổ mọc thêm cánh", có thể nâng cao hệ thống phòng thủ, chống lại tên lửa tầm trung mà Mỹ rất có thể triển khai tại Châu Á. Đồng thời, nó còn có thể làm giảm giá trị kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.
Cụ thể, ở giai đoạn đầu triển khai, HQ-19 sẽ chịu trách nhiệm chặn tên lửa đạn đạo tầm trung của Ấn Độ Agni-II, Agni-III và sau này là những phiên bản tên lửa Agni mạnh hơn. Ưu thế của Trung Quốc gia tăng sẽ làm giảm giá trị tiềm năng hạt nhân của Ấn Độ.
Mặt khác, sau năm 2023, Mỹ có thể triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Thái Bình Dương với số lượng dè dặt do còn vấn đề tài chính và mặt bằng để triển khai. Lúc đó, hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Trung Quốc đủ sức thể hiện vai trò phòng vệ hiệu quả.