Mỹ ký Thỏa thuận chiến lược phát triển điện hạt nhân với Ba Lan
Theo thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ, nước này và Ba Lan sẽ ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược phát triển chương trình điện hạt nhân tại Ba Lan.
Bộ Năng lượng Mỹ thông báo, thỏa thuận này có thời hạn 30 năm, lần đầu tiên thỏa thuận hợp tác dưới hình thức này được ký giữa hai nước, thể hiện mối quan hệ năng lượng lâu dài giữa Mỹ và Ba Lan.
Ba Lan muốn xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân để bổ sung lượng khí đốt nhập khẩu. Hiện tại, họ nhập khẩu rất nhiều khí đốt từ Nga, nhưng từ lâu Ba Lan muốn giảm lệ thuộc vào nguồn cung này. Thay vào đó, Ba Lan sẽ nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.
Tuy nhiên, Ba Lan cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy nhiệt điện than, và điều này đi ngược lại với tham vọng của EU về một nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Cách duy nhất để giảm hoặc thậm chí loại bỏ việc sử dụng than là thay thế bằng một loại năng lượng khác.
Đối với Ba Lan, thỏa thuận này không chỉ có ý nghĩa về mặt an ninh năng lượng và an ninh nguồn cung mà còn đặc biệt có ý nghĩa về an ninh địa chính trị.
Bước đầu, trong vòng 18 tháng tới hai bên sẽ thống nhất các yêu cầu kỹ thuật, chỉ số tài chính của chương trình phát triển điện hạt nhân Ba Lan ước tính tổng giá trị lên tới 40 tỷ USD, trong đó các công ty Mỹ (Westinghouse, Bechtel và Southern Co) cung cấp tối thiểu 18 tỷ USD thiết bị, công nghệ, đây sẽ là cơ sở cho sự tham gia dài hạn của Mỹ và để chính phủ Ba Lan đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng xác định các lĩnh vực hợp tác trong nhiều thập kỷ tới, cả hỗ trợ các tổ chức liên quan, cùng các nỗ lực của chính phủ trong việc đưa ra các quy định, nghiên cứu và đào tạo, thông qua phát triển chuỗi cung ứng, nâng cao nhận thức cộng đồng, đến hợp tác chung về các dự án ở châu Âu.
Phát triển hợp tác điện hạt nhân mang tính chiến lược với Ba Lan là chính sách lâu dài của Mỹ, nhằm đảm bảo cho Ba Lan tiếp cận với các nguồn năng lượng thay thế, và Ba Lan và các nước láng giềng không bao giờ bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng duy nhất. Thỏa thuận này thực hiện lời hứa của Tổng thống Mỹ, bằng cách tăng cường quan hệ đối tác năng lượng chiến lược tổng thể, mở rộng ngành năng lượng đa dạng của Ba Lan và giảm sự phụ thuộc năng lượng của Ba Lan vào các nhà cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Brouillette cho biết, Mỹ cam kết hợp tác với Ba Lan để thúc đẩy an ninh quốc gia, an ninh khu vực và chủ quyền dân chủ của mình. Chính quyền Tổng thống Trump tin rằng, chìa khóa của an ninh năng lượng là đa dạng năng lượng - đa dạng về nhiên liệu, nguồn cung và lộ trình. Hạt nhân sẽ cung cấp nguồn điện sạch và đáng tin cậy cho người dân Ba Lan, cũng như tăng cường đa dạng năng lượng và an ninh của họ.
"Thế hệ năng lượng hạt nhân tiếp theo phải là một phần của cuộc đối thoại về an ninh năng lượng với các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu và trên thế giới", Bộ trưởng Brouillette nói.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, thỏa thuận này đánh dấu một số cột mốc quan trọng, nó không chỉ củng cố mối quan hệ Ba Lan - Mỹ mà còn là một thông báo cho phần còn lại của thế giới rằng Mỹ quay trở lại lĩnh vực kinh doanh hạt nhân, nhờ vào công nghệ tiên tiến của Mỹ.
"Năng lượng hạt nhân chưa bao giờ an toàn hơn, giá cả phải chăng hơn. Chúng tôi sẵn sàng giúp các đối tác của mình đạt được an ninh năng lượng trong khi làm sạch môi trường bằng cách cung cấp cả công nghệ và tài chính”, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher bật mí.
Đại sứ của Ba Lan tại Mỹ Piotr Wilczek cũng chia sẻ rằng, Ba Lan muốn Mỹ là đối tác chiến lược trong chương trình này. Với thời gian cần thiết để xây dựng, vận hành và giải mã các nhà máy điện hạt nhân, mối quan hệ hợp tác này sẽ là một lựa chọn chiến lược cho 100 năm tới.
Thỏa thuận lịch sử này được Bộ trưởng Brouillette ký vào ngày 19/10 và sẽ được Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ba Lan Naimski ký sau khi nhận được ở Warsaw, Ba Lan. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi việc trao đổi công hàm giữa hai quốc gia thông báo cho nhau rằng họ đã hoàn thành tất các yêu cầu áp dụng để công hàm có hiệu lực.
(theo Petrotimes)