Mỹ lập lực lượng 400.000 quân tại châu Á-Thái Bình Dương
Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) cho rằng Mỹ đã thiết lập lực lượng quân sự hùng mạnh gồm 400.000 quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo đài Sputnik, thông tin trên do ông Igor Kostyukov, Giám đốc GRU đưa ra tại một hội nghị về an ninh quốc tế ở Moskva ngày 23/6. Trong đó, ông Kostyukov cáo buộc Mỹ không sẵn sàng tham gia đối thoại với các nước khác trên nguyên tắc bình đẳng. Ông cho rằng các động thái của Mỹ, như nỗ lực đưa Ấn Độ vào một liên minh châu Á-Thái Bình Dương theo kiểu NATO, là nhằm thống trị khu vực và đối phó với Nga cũng như Trung Quốc.
Ông Kostyukov nói: “Bị ám ảnh với mục tiêu thống trị toàn cầu, Mỹ đang thể hiện không sẵn sàng tham gia đối thoại bình đẳng. Quan điểm của Mỹ là sử dụng các phương pháp xây dựng mối quan hệ với nước khác từ vị thế sức mạnh”.
Theo ông Kostyukov, con đường đối đầu mà Mỹ đặt ra hiển hiện rõ ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi đang trở thành đầu máy của kinh tế thế giới… Mỹ muốn thiết lập kiểm soát khu vực này, nơi tạo ra 60% GDP thế giới và tập trung tới 45% thương mại thế giới”.
Ông Kostyukov nhắc lại rằng hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương gồm trên 200 cơ sở quân sự, trong đó có trên 50 căn cứ.
Theo Giám đốc GRU, Lầu Năm Góc thiết kế một lực lượng đặc nhiệm ở Thái Bình Dương chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Nam Á và Đông Nam Á vào năm 2024, đồng thời có kế hoạch thiết lập hai lữ đoàn vũ trang tên lửa siêu vượt âm ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2028.
Lầu Năm Góc cũng định tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trên tàu và trên bộ trong khu vực vào năm 2030. Theo đó, Mỹ tăng đơn vị phòng thủ tên lửa trên tàu từ 23 lên 40 đơn vị, tăng số lượng khẩu đội phòng thủ tên lửa THAAD từ 2 lên 3, và tăng số lượng khẩu đội Patriot PAK-3 từ 12 lên 16. Ngoài ra, Mỹ đã tăng số hoạt động tự do hàng hải gấp 10 lần kể từ năm 2015.
Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tăng cường đáng kể hoạt động quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ đã tìm cách tăng cường liên minh bộ tứ gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Cùng lúc, Tổng thống Biden tiếp tục cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc.