Mỹ Latin và Caribe đối phó tình trạng mất an ninh lương thựcTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 1)

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, vấn đề lạm phát hàng hóa cơ bản trên toàn cầu ngày càng trầm trọng đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Khu vực Mỹ Latin và Caribe là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với dự báo khoảng 14 triệu người có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, cao hơn gần 50% con số thực tế hiện nay.Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)Theo Giám đốc WFP tại Mỹ Latin và Caribe Lola Castro (Lô-la Ca-xtơ-rô), hiện có khoảng 9,7 triệu người rơi vào tình trạng thiếu lương thực ở 13 quốc gia trong khu vực. Giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng, bên cạnh lượng thực phẩm sẵn có ít hơn đã gây tác động mạnh đến các quốc gia nhập khẩu lương thực trong khu vực, nhất là các đảo quốc vùng Caribe. Tại Haiti, lạm phát lương thực thậm chí lên tới 26%.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giá cả các nguyên liệu đầu vào chủ chốt cho quá trình sản xuất lương thực tăng mạnh, như giá nhiên liệu và phân bón đã tăng hơn 300% kể từ đầu 2022. Điều này tác động mạnh tới các cường quốc sản xuất lương thực tại Mỹ Latin như Argentina hay Brazil, vốn phụ thuộc chủ yếu vào phân bón giá rẻ từ Nga và Belarus.

Theo WFP, Mỹ Latin không thiếu thực phẩm, tuy nhiên giá cả trở nên đắt đỏ hơn đối với phần đông người dân, đồng thời những người đang chịu cảnh nghèo đói buộc phải chọn thực phẩm chất lượng thấp hơn. Ăn uống lành mạnh ở Mỹ Latin và Caribe hiện có chi phí cao hơn so với ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ Latin giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu khi sản lượng tại khu vực này đáp ứng nhu cầu của khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới.

Người đứng đầu WFP tại Mỹ Latin và Caribe nhận định, các nước trong khu vực đang trải qua “khủng hoảng kép” do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, khiến 17,7 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Con số này đã giảm xuống còn 8,3 triệu người thời điểm cuối năm 2021, song cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục khiến Mỹ Latin và Caribe chịu ảnh hưởng nặng nề.

Một trong những hệ quả rõ nhất của cuộc khủng hoảng lương thực là sự gia tăng dòng người di cư từ phía nam lên phía bắc châu Mỹ, băng qua những tuyến đường nguy hiểm như khu rừng rậm Darien chia cắt Nam Mỹ với Panama dài khoảng 106km. Theo WFP, năm 2020 chỉ ghi nhận 5.000 người vượt qua tuyến đường này, song đến năm 2021 con số tăng vọt lên 151.000 người. WFP kêu gọi các chính phủ cũng như cộng đồng cần “phản ứng ngay lập tức” để ngăn chặn xu hướng di cư ồ ạt tiếp tục gia tăng.

Nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đáng báo động hiện nay, WFP đang nỗ lực đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước sản xuất lương thực tại chỗ như Mexico hay Argentina tới các quốc gia gặp khó khăn. Các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng loạt lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực thông qua các hành động phối hợp, bao gồm cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.

Tại Peru, chính phủ nước này đã thành lập một ủy ban cấp cao chịu trách nhiệm đề xuất các biện pháp bảo đảm tính liên tục của sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực trong nước. Cụ thể, song song nhiệm vụ dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực, xác định các sản phẩm cần thiết và thiết lập các chiến lược, kế hoạch nhập khẩu để tăng sản lượng, ủy ban này còn đề xuất cơ chế thu mua nông sản phục vụ các bếp ăn công cộng và các cơ sở y tế của quốc gia, đồng thời đưa ra các biện pháp để chống lại nạn đầu cơ tích trữ lương thực thực phẩm.

Thời gian tới, Chính phủ Peru sẽ tiếp tục nhóm họp để xác định chiến lược, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp về chuỗi sản xuất, phân bón và đa dạng hóa sản xuất.

Còn tại Cuba, dự án mang tên “Những mô hình nông nghiệp bền vững” (MAS) sẽ được triển khai thí điểm tại tám khu vực trên phạm vi toàn quốc. MAS là sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thúc đẩy và phổ biến các sáng kiến đổi mới về nông nghiệp tại các vùng thí điểm tại Cuba, sau đó sẽ dần áp dụng tại các địa phương còn lại trên cả nước.

Dự án sẽ góp phần quan trọng vào thành công của “Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia đến năm 2030” của Cuba, đồng thời giúp “hòn đảo tự do” từng bước tự chủ về sản xuất nông nghiệp.

Theo Nhandan

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/512643-my-latin-va-caribe-doi-pho-tinh-trang-mat-an-ninh-luong-thuc.html