Mỹ lo cánh tay robot nâng được 20 tấn của Trung Quốc ngoài vũ trụ
Việc Trung Quốc triển khai một cánh tay robot gắn với mô-đun lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) làm Mỹ lo ngại về các ứng dụng quân sự tiềm tàng của nó.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết cánh tay robot vừa nêu dài 10 m, nâng được vật nặng 20 tấn và dễ dàng thay đổi vị trí xung quanh trạm vũ trụ. Trung Quốc dùng cánh tay robot này để tóm lấy và giúp các tàu vũ trụ cập bến an toàn khi chúng tiếp cận trạm vũ trụ Thiên Cung.
Mặc dù chuyện này không phải là mới bởi Bắc Kinh từng phóng một số vệ tinh thu gom rác vũ trụ, được trang bị cánh tay robot, để thu thập và điều hướng các mảnh vỡ ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, một số nhân vật cấp cao ở Mỹ lo ngại Trung Quốc không đơn thuần chỉ có mục đích đó.
Tướng James Dickinson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đã nói trong một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hồi tháng 4 rằng các cánh tay robot của Trung Quốc "có thể được sử dụng phục vụ một hệ thống trong tương lai để giữ lấy các vệ tinh" và đó là điều khiến quân đội Mỹ lo ngại.
Tướng James Dickinson nói: "Đáng chú ý là Thực Tiễn-17 (Shijian-17), một vệ tinh của Trung Quốc có cánh tay robot", vệ tinh này có khả năng "tóm gọn" các tàu thăm dò của Mỹ.
Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc, nơi phát triển và vận hành vệ tinh Thực Tiễn-17, cho biết vào thời điểm phóng vệ tinh năm 2016 rằng nhiệm vụ của Thực Tiễn-17 là thử nghiệm "công nghệ quan sát quỹ đạo của mảnh vỡ không gian".
Tuy nhiên, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế - có trụ sở tại Washington, Mỹ - hồi tháng 3 tiết lộ vệ tinh Thực Tiễn-17 đã có một số "thao tác bất thường" trong nhiều năm và thay đổi vị trí của nó so với các vệ tinh khác khi bay quanh Trái đất.
Theo chuyên gia quân sự Huỳnh Đông đang sống ở Macau, lo ngại của người Mỹ là điều dễ hiểu. Chuyên gia nói với tờ South China Morning Post: "Câu hỏi chính ở đây là khi nào công nghệ này được người Trung Quốc sử dụng và mục đích thực sự của việc sử dụng đó là gì".
Tướng James Dickinson nói trước Quốc hội Mỹ rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các bên tham chiến trước tiên sẽ cố gắng vô hiệu hóa các công cụ liên lạc của đối phương, như hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Tướng James Dickinson nhận định Trung Quốc đã phát triển vượt trội về khả năng gây nhiễu, không gian mạng, vũ khí định hướng năng lượng và tên lửa chống vệ tinh để có thể chặn hoặc phá hủy hệ thống vệ tinh của Mỹ.
Ông Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, nghĩ rằng ông Dickinson đang lấy lý do mối đe dọa từ Trung Quốc để biện minh cho việc Mỹ chi tiêu tốn kém hơn và xem nhẹ việc loại bỏ rác vũ trụ. Ông Tống nói: "Nếu tạo ra bước đột phá trong việc loại bỏ rác vũ trụ, Trung Quốc sẽ được cả thế giới hoan nghênh".
Nói về việc loại bỏ các mảnh vỡ không gian, ông Vương Vĩ - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc – khẳng định đó là một thách thức đối với các quốc gia tham gia khám phá không gian.