Mỹ lo F-35 gặp họa khi phải đối đầu S-400
Theo Ủy ban Chính sách Quốc phòng Hạ viện Mỹ, dù có chi phí cao nhưng công nghệ F-35 có thể lạc hậu so với đà phát triển của phòng thủ Nga.
Trước khi có cảnh báo của Ủy ban Chính sách Quốc phòng được đưa ra, Ủy ban về các lực lượng vũ trang của Hạ viện trong bản ghi chú gửi kèm dự luật chính sách quốc phòng cho năm thuế 2022 đã bày tỏ ủng hộ chương trình mua sắm F-35 trị giá 398 tỷ USD.
Đồng thời lưu ý rằng sau khi cập nhật các yếu tố phần mềm quan trọng, mẫu máy bay công nghệ cao này có thể "được sử dụng để chống lại các hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến mà các đối thủ nước ngoài dùng để chống lại Mỹ trong các cuộc xung đột cường độ cao nhờ sử dụng công nghệ hiện đại nhất.
Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng cho biết họ không có thời gian để hoàn thiện máy bay chiến đấu lên đến mức đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng về đặc tính kỹ chiến thuật, và chi phí của các công việc này tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch.
"Hiện không rõ liệu F-35 có được cải tiến đủ để trong tương lai có thể chống lại các mối đe dọa tiềm năng tại một số khu vực địa lý hay không, vì các đối thủ đáng gờm với nguy cơ "gần như ngang bằng" với Mỹ đang phát triển công nghệ của họ nhanh hơn dự kiến", Ủy ban Quốc phòng Mỹ cho biết.
Theo đánh giá của Bloomberg, bất chấp việc các đại diện của ủy ban không nêu rõ đối thủ, các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố rằng mối đe dọa chính khiến Mỹ đưa ra quyết định tăngchi tiêu quân sự là sự tiến bộ trong hệ thống phòng thủ Nga và hành động của nước này.
Cảnh báo của Ủy ban Chính sách Quốc phòng rõ ràng xuất phát từ thực tế là F-35 chưa chứng minh được sức mạnh trong khuôn khổ các cuộc tập trận về khả năng đối phó hiệu quả với hệ thống phòng không hiện đại nhất do Nga sản xuất, trong đó có S-400.
Như vậy, rõ ràng đây là sự lo lắng của Mỹ cho số phận những chiếc tiêm kích tàng hình siêu đắt đỏ F-35 mà trước đây cả giới quân sự và chuyên gia Mỹ đều khẳng định không bị đánh bại bởi phòng không Nga dù radar có thể phát hiện được.
Không những vậy, Thiếu tá Không quân Mỹ Dan Flatley còn tự tin cho rằng, chỉ có một khoảnh khắc duy nhất S-400 và phòng thủ Nga hạ gục được F-35, đó là khi F-35 mở khoang chứa vũ khí dưới bụng để tấn công, kết cấu tàng hình hấp thụ sóng radar của nó sẽ bị phá vỡ, đây chính là khoảnh khắc đối phương có thể phát hiện F-35 và tấn công.
Nhưng ngay sau khi tấn công xong khoang vũ khí của F-35 được đóng lại, kết cấu tàng hình được phục hồi và trong khoảng thời gian ngắn ngủi chiếc F-35 lộ diện, để tân công chiến đấu cơ này hoàn toàn không phải dễ dàng dù đó là những hệ thống vũ khí tối tân nhất.
Sở dĩ hệ thống phòng không Nga bao gồm cả S-400 gần như không thể động đến F-35 theo Dan Flatley, radar tần số VHF hiện đại nhất của Nga ngày nay có thể phát hiện được các chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhưng không phải trong tất cả mọi trường hợp.
Và ngay cả khi phát hiện được thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc có thể bắn hạ được F-35. Viên phi công này cho rằng đấy là còn chưa kể đến các biện pháp phòng thủ chủ động F-35 có thể kích hoạt theo sự điều khiển của con người.
Bằng kinh nghiệm tích lũy với nhiều giờ bay, ông Dan Flatley cho biết, bắn hạ một chiến đấu cơ "là một quy trình gồm nhiều bước, việc phát hiện được phi cơ của đối phương trên màn hình radar chỉ là một yếu tố rất nhỏ và dường như là việc dễ dàng nhất".
Tuy nhiên, theo ông Mike Coffman, chuyên gia phân tích quân sự về các lực lượng vũ trang Nga của CIA cho biết, sự tự tin của người Mỹ với F-35 chỉ đúng nếu vào thời điểm ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, còn bây giờ đó là sự tự tin thái quá.
"Với trang bị hiện tại, phòng thủ Nga không chỉ có khả năng đánh chặn những tiêm kích như F-35 mà họ còn có thể chặn đứng cuộc tấn công từ vũ khí siêu thanh của đối thủ. Đây chính là lý do khiến giới quân sự Mỹ đang lo lắng cho sự an toàn của F-35", ông Mike Coffman thừa nhận.