Mỹ lo Nga dùng siêu tên lửa sau khi Ukraine bắn 6 tên lửa tầm xa ATACMS
Ngày 11/12, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã tấn công sân bay quân sự Taganrog bằng 6 tên lửa đạn đạo tầm xa ATACM do Mỹ sản xuất, cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp. Tuyên bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại Nga sắp sử dụng siêu tên lửa Oreshnik tại Ukraine thêm một lần nữa.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã sử dụng 6 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất tấn công sân bay quân sự nước này trên biển Azov. 2 trong số 6 tên lửa đã bị hệ thống phòng thủ Pantsir bắn hạ, 4 tên lửa còn lại bị phá hủy bằng hoạt động tác chiến điện tử.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công này sẽ không thể không có phản ứng và các biện pháp thích hợp sẽ sớm được thực hiện.
Thông báo của phía Nga được đưa ra trùng thời điểm Mỹ nghi ngờ Nga sẽ phóng tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik thứ hai vào Ukraine trong những ngày tới.
Phó Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết: “Nga có ý định phóng một tên lửa Oreshnik thử nghiệm khác. Có khả năng Nga sẽ làm điều đó trong những ngày tới. Tôi không có ngày chính xác. Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là nếu Nga chọn phóng loại tên lửa này, thì nó sẽ không phải là một bước ngoặt trên chiến trường. Đây chỉ là một nỗ lực khác nhằm gây ra thiệt hại và thương vong ở Ukraine. Chúng ta đã từng thấy điều này trước đây. Nga đang cố gắng sử dụng mọi vũ khí mà họ có trong kho vũ khí để đe dọa Ukraine. Nhưng tất nhiên, Mỹ và các đối tác khác trên khắp thế giới vẫn tiếp tục có sự ủng hộ Ukraine để nước này chiến đấu mỗi ngày trên chiến trường”.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không nêu ra được địa điểm Nga có ý định phóng siêu tên lửa.
Trước đó, ngày 21/11, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới với tên gọi Oreshnik, nhằm đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Anh và Mỹ tấn công lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin 2 ngày trước cho biết, một khi có đủ số lượng tên lửa Oreshnik, Nga sẽ không còn cân nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga cũng cho biết các hệ thống tên lửa Oreshnik có thể được triển khai tại Belarus sớm nhất là vào nửa cuối năm sau, sau khi hai bên mới ký hiệp ước an ninh. Theo Bộ Quốc phòng Belarus, quyết định triển khai tên lửa Oreshnik ở nước này là phản ứng trực tiếp trước kế hoạch của Mỹ về việc bố trí tên lửa tầm trung ở Đức.