Mỹ lo ngại tình trạng nhân viên y tế chưa tiêm vaccine COVID-19
Thiếu hụt nhân viên y tế trên tuyến đầu cuộc chiến chống COVID-19 ở Mỹ vẫn căng thẳng, khi cứ 8 y tá thì có xấp xỉ một người không định tiêm vaccine. Vấn đề này làm giới chức Mỹ quan ngại.
Theo Bloomberg, nếu bắt buộc tiêm vaccine, một số y tá Mỹ sẽ nghỉ việc. Nếu không bắt buộc tiêm, một số y tá sẽ mắc COVID-19 và không thể làm việc, thậm chí phải nằm khu chăm sóc tích cực. Với các quản lý bệnh viện ở Mỹ, đây là vấn đề tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế.
Ông Alan Levine, Tổng giám đốc điều hành Ballad Health với 21 bệnh viện và các trung tâm y tế ở Kentucky, Bắc Carolina, Tennessee và Virginia, cho biết ông không rõ cách nào sẽ khiến chuỗi bệnh viện này tổn thất nhân lực nhiều hơn. Cuối cùng, ông quyết định không bắt buộc nhân viên y tế tiêm vaccine sau khi mô hình cho thấy nếu bắt buộc, có thể có tới 15% y tá, tương đương 900 người, bỏ việc. Con số đó cao hơn so với những nhân viên y tế phải nghỉ việc vì cách ly hay mắc COVID-19. Tại Ballad, 97% bác sĩ đã tiêm vaccine và trong số các y tá, tỷ lệ tiêm vaccine chỉ khoảng 50%.
Thật khó có thể hiểu tại sao y tá, những người nhìn thấy bằng chứng về căn bệnh nguy hiểm COVID-19 khi chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, lại phản đối tiêm vaccine và không tin các nghiên cứu chứng minh hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Đó chính là vấn đề mà các nhà quản lý bệnh viện khắp nước Mỹ đang phải đối mặt. Trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Hiệp hội Y tá Mỹ (ANA), cứ 8 người thì có xấp xỉ một người chưa tiêm vaccine hoặc không định tiêm, cho dù họ có thể tiếp cận vaccine suốt gần chín tháng qua.
Ông Levin nói: “Đa số y tá của chúng tôi là nữ, trẻ và đang ở độ tuổi sinh nở”. Tin đồn trên mạng xã hội khiến một số phụ nữ trẻ sợ vaccine mRNA như của Pfizer và Moderna có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh nở. Điều này không đúng, nhưng đáng lo là một số người lại tin.
Hồi tháng 4, chính phủ Mỹ tạm thời dừng triển khai tiêm vaccine Johnson & Johnson vì các ca đông máu hiếm gặp ở phụ nữ. Các cơ quan liên bang đã điều tra vấn đề, cho biết đó chỉ là rủi ro rất xa vời và nối lại sử dụng loại vaccine này. Tuy nhiên, thời gian tạm ngừng đó đã gây ấn tượng mãi và khiến một số người không tiêm vaccine.
Ông Levin cho biết thay vì bắt buộc, ban lãnh đạo tìm cách nâng cao nhận thức về vaccine COVID-19 với các nữ y tá nhưng không chắc có hiệu quả không và hiệu quả tới đâu.
Trên toàn quốc, mới 35% bệnh viện bắt buộc nhân viên tiêm vaccine COVID-19 tính tới 19/8. Khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer, tỷ lệ đó có thể tăng lên trong vài tháng nữa.
Khoảng 22 bang đã yêu cầu tiêm vaccine cho ít nhất một số nhân viên y tế. Không phải bang nào cũng đi theo hướng đó. Tới nay, bốn bang là Arkansas, Georgia, Montana và Tennessee đã cấm động thái này. Một số bang khác đang phải cân nhắc, khiến các nhà quản lý bệnh viện phải cân bằng lo ngại về nhân lực và mong muốn bảo vệ nhân viên, bệnh viện trước COVID-19.
Houston Methodist ở Texas với 8 bệnh viện và 26.000 nhân viên cho biết mình là hệ thống bệnh viện lớn đầu tiên ở Mỹ bắt buộc nhân viên tiêm vaccine COVID-19. Tổng giám đốc điều hành Marc Boom cho biết vấn đề thực sự không phải là có bắt buộc không mà là khi nào sẽ bắt buộc tiêm chủng. Ông Boom cho biết bệnh viện đã nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của vaccine từ mùa thu năm ngoái, trước khi vaccine được các nhà chức trách cấp phép.
Cuối năm 2020, hệ thống Houston Methodist đã thưởng 500 USD cho nhân viên tiêm vaccine. Khi ông Boom thông báo bắt buộc tiêm vaccine hồi cuối tháng 3 thì có 85% nhân viên trong hệ thống đã tiêm chủng rồi. Ông ước tính hệ thống đã chi 13 triệu USD tiền khuyến khích nhân viên tiêm vaccine.
Sau đó, hệ thống của ông Boom bị một y tá trong bệnh viện kiện vì lệnh bắt buộc tiêm chủng này.
Thẩm phán đã bác bỏ đơn kiện và hệ thống Houston Methodist mất 153 nhân viên vì họ bỏ việc hoặc bị đình chỉ. Ông Boom cho biết rất mừng vì đã ra yêu cầu tiêm chủng vì bệnh viện đang đối mặt với làn sóng bệnh nhân COVID-19 mới. Các bệnh viện khác đã nhìn Houston Methodist và quyết định làm theo.
Tình trạng thiếu hụt đã làm giảm tinh thần các khoa điều dưỡng. Một số bỏ việc để làm y tá tự do, một số nghỉ việc hẳn. Theo khảo sát, gần 30% nhân viên y tế tuyến đầu đã cân nhắc bỏ nghề do đại dịch.
Thiếu hụt y tá diễn ra khi Mỹ đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao hàng đầu thế giới. Trong ngày 29/8, Mỹ có trên 37.000 ca mắc.