Mỹ loại biên 2 tàu LCS, dù mới dùng hơn 10 năm
Hải quân Mỹ sẽ loại biên 2 tàu chiến ven biển đầu tiên để dành tiền phát triển vũ khí siêu vượt thanh, nhưng các nhà lập pháp phản đối kế hoạch này.
Phát ngôn viên Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nicole Schwegman cho biết tàu chiến ven biển LCS USS Independence (LCS-2) sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31/7, trong khi đó tàu USS Freedom (LCS-1) sẽ rời hạm đội vào ngày 30/9, USNI News cho biết.
Hai tàu sau khi ngừng hoạt động sẽ được đưa vào hạm đội dự bị, một quan chức Hải quân Mỹ xác nhận với USNI.
Năm ngoái, Hải quân Mỹ đã đề xuất dừng hoạt động 4 tàu LCS, trong bản đệ trình ngân sách năm 2021. Biện minh cho kế hoạch này, đô đốc Mike Gilday, tư lệnh tác chiến, Hải quân Mỹ cho biết phải tốn 2,5 tỷ USD để nâng cấp 4 tàu LCS đầu tiên, trong khi đó khoản tiền này có thể chi tiêu ở nơi khác với hiệu quả cao hơn.
Mới sử dụng hơn 10 năm
Tàu chiến LCS-1 được đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ năm 2008, khi rời hạm đội, nó chỉ mới phục vụ 13 năm. LCS-2 được đưa vào sử dụng từ năm 2010, thời gian phục vụ 11 năm. Trong khi 2 tàu được thiết kế với thời gian sử dụng ít nhất là 25 năm.
Khi giải thích về kế hoạch ngừng hoạt động các tàu LCS đầu tiên, các quan chức Hải quân Mỹ nói rằng 4 tàu đầu tiên trong lớp LCS chỉ là thử nghiệm. Quan điểm này đã bị một nhà lập pháp chủ chốt trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện phản đối.
Nghị sĩ Elaine Luria, cựu sĩ quan tác chiến Hải quân Mỹ, hiện giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, năm ngoái đã khiển trách Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly vì đã sử dụng lý do đó.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với USNI News, bà Luira cho biết sẽ không ủng hộ kế hoạch dừng hoạt động các tàu trong hạm đội, để chi tiền cho các khả năng mới như vũ khí siêu vượt thanh.
“Tôi không ủng hộ điều đó, chúng ta cần xem xét kế hoạch Battle Force 2025 là gì? Chúng ta cần xem xét những gì có hôm nay và cách chúng ta có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất”, bà Luira nói.
Bà nói thêm: “Ý tưởng thoái vốn khỏi các nền tảng vẫn có thể sử dụng để đầu tư vào các công nghệ tương lai, khi thực tế cho thấy thành tích kém cỏi của chúng ta về các nền tảng mới đang phát triển hoàn toàn không phải là ý tốt”.
Bà nói rằng bản thân đồng ý với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, và nên đầu tư khiêm tốn để phát triển tàu mặt nước không người lái. “Trong khi nó vẫn là một công nghệ chưa trưởng thành, tôi không đồng ý việc thoái vốn khỏi các tài sản mà chúng ta đang rất cần để đối phó với Nga và Trung Quốc”, bà Luira nói.
Bà cảm thấy ngạc nhiên khi Hải quân Mỹ yêu cầu ngừng hoạt động 4 tàu LCS, vì bản thân chúng còn rất mới. Bà ủng hộ việc giữ những con tàu đó trong hạm đội, ngay cả khi kế hoạch phát triển module chiến đấu gặp khó khăn và chậm lại.
LCS là gánh nặng của hải quân
Trong khi chương trình LCS gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong hạm đội, gần đây các chỉ huy đã tìm cách sử dụng nó cho một số nhiệm vụ trong khu vực. Hạm đội 7 đã xem xét kế hoạch sử dụng LCS cho nhiệm vụ tấn công và viễn chinh.
Trong khi đó, bộ chỉ huy miền nam đã sử dụng LCS-1 cho nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy.
Dự án tàu chiến ven biển LCS từng được kỳ vọng đem lại tương lai cho Hải quân Mỹ với các tàu chiến nhỏ, nhưng nó đang là một thất bại với nhiều vấn đề về kỹ thuật.
Ban đầu Hải quân Mỹ dự định đặt hàng 52 tàu LCS, sau đó giảm xuống còn 40 tàu. Nội bộ Lầu Năm Góc nhiều lần bất đồng về chương trình LCS.
LCS được thiết kế với dạng module cho từng nhiệm vụ khác nhau, với mỗi nhiệm vụ, tàu sẽ có module vũ khí phù hợp. Nhưng đến nay, đã 13 năm sau khi tàu LCS-1 đi vào hoạt động, module chiến đấu cho tàu vẫn rất hạn chế.
Chương trình LCS bị chê vũ trang kém, nhiều lỗi kỹ thuật, kém tin cậy. LCS được vũ trang quá yếu với pháo chính 57 mm và một vài tên lửa tầm ngắn. Gần đây, một số tàu được bổ sung thêm module tên lửa chống hạm NSM, hợp tác sản xuất với Thụy Điển.
Xét về hỏa lực, LCS vẫn kém các tàu chiến của Nga và Trung Quốc và một số nước khác có cùng lượng choán nước.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-loai-bien-2-tau-lcs-du-moi-dung-hon-10-nam-post1218016.html