Mỹ Lộc tập trung xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất vụ mùa, vụ đông

Bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vụ mùa 2020 huyện Mỹ Lộc phấn đấu diện tích lúa gieo cấy 3.200ha, năng suất bình quân từ 48-50 tạ/ha; sản lượng từ 15-16 nghìn tấn. Toàn huyện phấn đấu xây dựng 3-5 mô hình liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, rau màu hàng hóa. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vụ mùa 2020 huyện Mỹ Lộc phấn đấu diện tích lúa gieo cấy 3.200ha, năng suất bình quân từ 48-50 tạ/ha; sản lượng từ 15-16 nghìn tấn. Toàn huyện phấn đấu xây dựng 3-5 mô hình liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, rau màu hàng hóa. Các xã, thị trấn tập trung gieo trồng 300ha cây màu hè thu, gồm: hoa, ngô, đậu tương, lạc và rau màu các loại; phấn đấu trồng khoảng 400ha cây vụ đông, tập trung vào các loại cây: hoa, rau màu, ngô…

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; xác định các ngành hàng, sản phẩm chủ lực theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lập và điều chỉnh, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng sản phẩm; quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường quản lý, bảo đảm việc tổ chức sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung gieo cấy sớm lúa mùa, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu giống, phương thức và thời vụ gieo cấy nhằm chủ động ứng phó với thiên tai và bệnh lùn sọc đen, phấn đấu hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa trước ngày 20-7. Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân lựa chọn và sử dụng phân bón hợp lý của các doanh nghiệp uy tín…; tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ. Chủ động phòng bệnh bạc lá bằng việc lựa chọn, sử dụng giống ít nhiễm bệnh; thâm canh cân đối để tạo giàn lúa khỏe. Tăng cường điều tra, thu thập mẫu rầy, mẫu lúa giám định vi-rút gây bệnh; vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt ký chủ phụ của bệnh trên lúa chét, cỏ dại; xử lý hạt giống trước khi gieo cấy bằng thuốc trừ rầy nội hấp, phòng trừ triệt để rầy lưng trắng ngay từ đầu vụ. Chủ động phòng trừ chuột, ốc bươu vàng hại lúa.

Đối với vụ đông, các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông; lựa chọn quy hoạch những chân ruộng vàn và vàn cao, thuận lợi tưới, tiêu nước để cấy lúa mùa sớm, mùa trung, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Thực hiện tốt các biện pháp thủy nông phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai, bảo vệ lúa, màu; tích cực tổ chức các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác và cải thiện đời sống nông dân./.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202006/my-loc-tap-trung-xay-dung-cac-mo-hinh-lien-ket-chuoi-gia-tri-trong-san-xuat-vu-mua-vu-dong-2537823/