Mỹ mất dấu lô vũ khí trị giá 715,8 triệu USD cho đồng minh ở Syria
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây thừa nhận rằng, quân đội nước này không thể xác định được tung tích của lô vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 715,8 triệu USD mà Washington cung cấp cho các đồng minh ở Syria để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Báo cáo do Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong năm tài chính 2017-2018, Lầu Năm góc yêu cầu chi 930 triệu USD cho Quỹ Huấn luyện và cung cấp trang thiết bị chống lại IS ở Iraq và Syria (CTEF) để hỗ trợ các lực lượng chiến đấu chống khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, sau khi thanh tra, cơ quan này không xác định được lô vũ khí trị giá 715,8 triệu USD đang ở đâu. Một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong việc xác định tung tích lô vũ khí mất tích này là do giới chức Mỹ không duy trì một danh sách các thiết bị cung cấp cho đồng minh ở Syria. Báo cáo cũng không chỉ ra được, liệu số vũ khí này có rơi vào tay các nhóm vũ trang phi pháp hay khủng bố hay không. Tuy nhiên, báo cáo cũng bày tỏ quan ngại, có thể tiền ngân sách đã bị sử dụng sai và lãng phí. Mặc dù chưa xác định dấu vết số vũ khí mất tích trên, song báo cáo vẫn muốn Lầu Năm góc chi thêm 173 triệu USD trong năm 2020 cho các mục tiêu này.
Ngoài ra, thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết, hơn 4.000 vũ khí, bao gồm súng máy và súng phóng lựu, trị giá 715,8 triệu USD đã bị hỏng do điều kiện lưu trữ không phù hợp hoặc bị đánh cắp.
Báo cáo trên nhấn mạnh, năm 2011 Washington đã can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến chống IS ở Syria. Kể từ năm 2015, Mỹ cũng đã tài trợ cho các chiến binh địa phương, chủ yếu là người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Để trang bị vũ khí và hỗ trợ cho 60.000 hoặc 70.000 lính Mỹ ở Trung Đông và các đồng minh, Mỹ đã lập nhiều căn cứ hải quân và không quân ở Vịnh Ba Tư, đặc biệt ở Kuwait và ở Vịnh Oman.
Theo tờ Le Figaro của Pháp, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ mất dấu lô vũ khí tài trợ cho đồng minh trong cuộc chiến khủng bố. Năm 2015, quân đội Mỹ đã thừa nhận mất dấu vết của lô vũ khí viện trợ trị giá 500 triệu USD cho chính quyền Yemen, bao gồm vũ khí, đạn được, kính nhìn đêm, thuyền tuần tra và nhiều thiết bị quân sự khác. Trong một báo cáo hồi tháng 5-2017, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, Mỹ đã mất dấu một tỷ USD trong việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng an ninh Iraq và Kuwait. “Thiếu trách nhiệm trong việc chuyển giao trang thiết bị quân sự giữa Mỹ với các nước đồng minh khác là cơ hội cho các nhóm khủng bố như IS hoạt động mạnh hơn", báo cáo phân tích Task and Purpose nêu rõ. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi Tổ chức Ân xá quốc tế nêu dẫn chứng trong vụ thất lạc vũ khí ở Iraq. Theo đó, tháng 8-2017, sau cuộc chiến với IS ở thành phố Tal Afar, lực lượng an ninh Iraq đã thu hồi một tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ. Một tháng sau đó, trong video tuyên truyền của IS phát trên mạng internet cho thấy, một tay súng thánh chiến đang sử dụng súng trường bắn tỉa Mk 14 do Mỹ sản xuất.
Thống kê của Tạp chí National Interest cho biết, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Bất chấp chi cả núi tiền và công sức, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Có một nghịch lý là, Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu.