Mỹ: Máy bay Boeing hạ cánh khẩn xuống mặt biển
Một chiếc máy bay Boeing 737 phải hạ cánh khẩn xuống mặt biển gần TP Honolulu, bang Hawaii - Mỹ do trục trặc động cơ.
Đài CNN dẫn lời trạm kiểm soát không lưu địa phương hôm 2-7 cho biết 1 trong 2 động cơ của chiếc Boeing 737 chở hàng nói trên gặp sự cố trước khi nó hạ cánh khẩn.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), các phi công đã báo cáo động cơ bị trục trặc và tìm cách quay trở lại TP Honolulu nhưng cuối cùng phải đáp xuống mặt biển. Cả 2 thành viên phi hành đoàn đều được giải cứu.
FAA và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) sẽ mở cuộc điều tra.
Trang web theo dõi chuyến bay Flightradar 24 cho hay chiếc Boeing 737 cất cánh từ sân bay quốc tế Daniel K. Inouye ở TP Honolulu lúc 1 giờ 33 phút sáng 2-7 (giờ địa phương). Chuyến bay mang số hiệu 810 của hãng hàng không Transair sau đó rẽ phải để chuyển hướng tới sân bay Kalaeloa.
Các phi công nói rằng họ không thể duy trì tốc độ và độ cao do 1 trong 2 động cơ gặp sự cố. Họ lo sợ động cơ thứ hai cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nên đưa ra cảnh báo: "Chúng tôi đã mất động cơ số 1 và đang hướng thẳng tới sân bay. Chúng tôi sẽ mất động cơ kia vì nó rất nóng".
Sau khi hạ cánh khẩn xuống mặt biển, cách Kalaeloa khoảng 2 hải lý, 1 trong 2 phi công được lực lượng tuần duyên Mỹ giải cứu. Người còn lại được nhân viên cứu hỏa tại sân bay quốc tế Daniel K. Inouye hỗ trợ đưa vào bờ. Hai người sau đó được đưa tới trung tâm y tế Queens nhưng chưa rõ tình trạng sức khỏe.
Trên trang web của công ty, Transair cho biết họ sử dụng phi đội Boeing 737 để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trên khắp bang Hawaii. Công ty bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 1982.
Giám đốc điều hành Transair Teimour Riahi thông báo 2 phi công đang được chăm sóc y tế và nói thêm: "Chúng tôi đang hợp tác với lực lượng tuần duyên, FAA và NTSB để điều tra nguyên nhân. Chúng tôi quan tâm đến việc chăm sóc và phục hồi cho các đồng nghiệp của mình".
Chiếc Boeing 737 gặp sự cố được sản xuất vào năm 1975 và được cấp chứng chỉ hàng không gần đây nhất vào năm 2015, dự kiến hết hạn vào năm 2024.
Người phát ngôn Tập đoàn Boeing nói với CNN rằng họ đã nhận được báo cáo và đang theo dõi chặt chẽ tình hình.