Mỹ mở rộng hợp tác với các quốc gia Trung Á
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp lãnh đạo các nước Trung Á theo hình thức đối thoại 'C5+1' tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/9.
Các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự hội nghị "C5+1" bao gồm Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.
Hội nghị đánh dấu cuộc họp mặt lần đầu tiên theo khuôn khổ này và diễn ra bên lề kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tập trung thảo luận các cách thức mở rộng hợp tác giữa Mỹ và các nước trong khu vực.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm an ninh, thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, nhu cầu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, cũng như những cải cách đang diễn ra nhằm cải thiện quản trị và pháp quyền.
“Tôi nghĩ đây là một thời điểm lịch sử. Chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm giữa Trung Á và Mỹ, một sự hợp tác dựa trên cam kết chung của chúng tôi về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Biden nói trong cuộc gặp.
Ông Biden lưu ý các bên đều mong muốn tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như hỗ trợ an ninh của Mỹ cho khu vực, cuộc chiến chống khủng bố, kinh tế, an ninh năng lượng, tăng cường chuỗi cung ứng và quyền của người khuyết tật.
Theo các chuyên gia, hội nghị lần này nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của Washington đối với các nước Trung Á. Bakhtiyor Ergashev, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Nghiên cứu Ma'no, nêu quan điểm: "Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2019 lưu ý rằng Trung Á là một trong những khu vực cốt lõi mà sự hiện diện của Mỹ là cần thiết. Tuy nhiên, điều này liên quan nhiều đến địa chính trị hơn là kinh tế vì hoạt động kinh tế của Mỹ chỉ giới hạn ở các dự án nhân đạo quy mô nhỏ".
Theo chuyên gia Shestakov, Mỹ đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong khu vực bằng cách tăng cường hợp tác với các nước Trung Á, đồng thời có thể thúc đẩy ý tưởng đưa các căn cứ quân sự của mình trở lại khu vực dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, chính quyền các nước trong khu vực khó có thể chấp nhận điều này, ông Ergashev kết luận.