Mỹ mời các nước EU, châu Á tham gia liên quốc tế đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz
Ngày 25/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, nước này đã mời Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc và Anh cùng nhiều nước khác, tham gia một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: AFP)
Trả lời phỏng vấn Fox News, ông Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi đang bắt đầu giai đoạn phát triển sáng kiến an ninh hàng hải. Không chỉ chúng tôi, mà các quốc gia trên toàn thế giới cũng là một phần trong đó. Chúng tôi đã đề nghị Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia tham gia".
Theo Ngoại trưởng Pompeo, bất kỳ nước nào quan tâm tới việc đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz đều cần tham gia sáng kiến này không chỉ để bảo vệ chính lợi ích của họ, mà còn "bảo vệ sự hiểu biết cơ bản về tuyến đường biển tự do và cởi mở".
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Mỹ đang tìm cách thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz, nối giữa Vịnh Persia với Vịnh Oman. Hơn nữa, Lầu Năm Góc cũng thông báo, Mỹ đang phát triển một khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế có tên Chiến dịch Canh gác để đảm bảo an ninh ở Vịnh Persia, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Oman sau một loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu tại đây.
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn khác với Bloomberg, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông sẽ "vui vẻ" tới Iran để giải quyết căng thẳng giữa hai nước.
Ông Pompeo khẳng định, ông sẵn sàng xuất hiện trên truyền hình Iran để giải thích lý do đằng sau các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia vùng Vịnh này.
Ông Pompeo nhấn mạnh: "Tôi hoan nghênh cơ hội được nói chuyện trực tiếp với người dân Iran...., về những gì mà lãnh đạo của họ đã làm và nó gây tổn hại thế nào đến Tehran... Chúng tôi muốn lãnh đạo Iran phải thay đổi cách hành xử để cuối cùng, người dân Iran có thể được hưởng những gì họ xứng đáng được hưởng".
Trong khi đó, về phía châu Âu, sau khi Anh và Pháp cũng khởi xướng kế hoạch tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải tại Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết, hiện còn quá sớm để nói về khả năng Đức tham gia vào nhiệm vụ này.
Trước đó, hãng tin RND dẫn lời một nhân vật tham gia cuộc thảo luận của Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Liên bang Đức tiết lộ, Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas nói rằng, "Đức muốn có mặt tại đây". Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức bác bỏ thông tin này.
Theo quy định của Hiến pháp Đức, việc điều động quân đội Đức hoạt động ở nước ngoài sẽ do Quốc hội Đức quyết định, tương tự các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Trung Đông và châu Phi, cũng như chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà nước này đã tham gia.
Tình hình ở khu vực Eo biển Hormuz ngày càng trở nên căng thẳng với các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.