Mỹ muốn bán du thuyền Nga bị tịch thu do phí bảo trì quá cao
Bộ Tư pháp Mỹ đang xin phép bán một chiếc du thuyền bị chính quyền nước này tịch thu từ một nhà tài phiệt Nga do chi phí bảo trì và thuê nhân viên mỗi tháng quá cao, thậm chí lên tới gần 1 triệu USD.
Theo hãng tin CNBC, chiếc du thuyền dài 106m mang tên Amadea bị cáo buộc là thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga Suleiman Kerimov. Amadea bị tịch thu năm 2022 sau khi ông Kerimov bị liệt vào danh sách trừng phạt của chính phủ Mỹ với cáo buộc giúp đỡ Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bộ Tư pháp Mỹ đang xin phép bán chiếc du thuyền trị giá 230 triệu USD này đi do mức “chi phí quá cao” nhằm bảo trì và duy trì thủy thủ đoàn mỗi tháng. Cụ thể, chi phí hàng tháng cho Amadea, hiện neo đậu ở San Diego, California, bao gồm 600.000 USD tới từ chi phí vận hành, 144.000 USD tới từ chi phí bảo hiểm hàng tháng theo tỷ lệ và 178.000 USD tới từ phí cập bến, nâng tổng số tiền lên 922.000 USD. Trong đó, chi phí vận hành bao gồm 360.000 USD cho thủy thủ đoàn, 75.000 USD tiền nhiên liệu và 165.000 USD để bảo trì, loại bỏ chất thải, thực phẩm và các chi phí khác.
Hồ sơ nộp lên tòa án nhận định: “Việc người nộp thuế Mỹ phải trả gần một triệu USD mỗi tháng để bảo trì Amadea là quá mức khi những chi phí này có thể giảm xuống 0 thông qua việc bán đi”.
Ngoài vấn đề tài chính, chiếc du thuyền này cũng đang trải qua một cuộc chiến pháp lý. Cụ thể, phía Mỹ cáo buộc ông Kerimov đã che giấu quyền sở hữu Amadea thông qua một loạt công ty vỏ bọc và các chủ sở hữu khác. Thông qua các email giữa các thành viên thủy thủ đoàn, ông Kerimov được coi “là chủ sở hữu có lợi của chiếc du thuyền, bất kể chủ sở hữu của con tàu là ai”.
Các email còn cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022, “không có chuyến đi nào của hành khách trên Amadea mà không bao gồm ông Kerimov hoặc các thành viên trong gia đình ông”.
Tuy nhiên, ông Eduard Khudainatov - cựu Giám đốc điều hành Rosneft và đồng thời là người không nằm trong danh sách trừng phạt - cho biết ông mới là người sở hữu chiếc du thuyền này chứ không phải ông Kerimov.
Các luật sư của ông Khudainatov phản đối mạnh mẽ nỗ lực bán du thuyền của chính phủ Mỹ với nguyên nhân bán đi một cách vội vàng có thể dẫn đến giá bán thấp trong khi chi phí bảo trì du thuyền không đáng kể so với giá trị bán tiềm năng.
Ngoài ra, các luật sư cũng từ chối thanh toán các chi phí bảo trì liên tục trong thời gian chính phủ Mỹ theo đuổi việc bán và tịch thu. Tuy nhiên, họ cho biết khách hàng của mình sẽ hoàn trả cho chính phủ Mỹ số tiền hơn 20 triệu USD đã chi để bảo trì du thuyền nếu nó được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Tình trạng của du thuyền Amadea nêu bật lên những thách thức tài chính và pháp lý mà chính phủ Mỹ cũng như châu Âu đang gặp phải trong việc thu giữ và bán tài sản bị tịch thu thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhiều lần kêu gọi Liên minh châu Âu sử dụng lợi nhuận từ hơn 200 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho Ukraine trong việc chiến đấu chống lại quân đội Nga.
Tuy nhiên, gần hai năm sau khi chiến dịch quân sự được Nga khởi động tại Ukraine, quy trình pháp lý chứng minh quyền sở hữu tài sản cũng như bán chúng tốn thời gian và tốn kém hơn nhiều so với kỳ vọng. Tại London, tỷ phú người Nga Eugene Shvidler đã tiến hành một cuộc chiến tại tòa án về việc các máy bay phản lực tư nhân của ông bị tạm giữ trong khi tỷ phú Sergei Naumenko cũng đã kháng cáo việc giam giữ siêu du thuyền mang tên Phi của ông.