Mỹ muốn cấm bán 'hàng nóng' cho cảnh sát Hồng Kông
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ điều chỉnh 'xuất khẩu các mặt hàng kiểm soát tội phạm để bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Đặc biệt, việc xuất khẩu thiết bị hơi cay và các thiết bị thực thi pháp luật khác của Mỹ, như bình xịt hơi cay và mũ cảnh sát, khiên, dùi cui, đến Hồng Kông cần có giấy phép của Bộ (thương mại).
Cảnh sát Hồng Kông đã thường xuyên sử dụng hơi cay trong nỗ lực giải tán các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã gây chấn động Hồng Kông trong nhiều tuần qua. Và CNN vừa phát hiện hóa ra các thiết bị hơi cay gây nghẹt thở nhiều khả năng có nguồn gốc từ Mỹ.
Trong những năm gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã bật đèn xanh việc xuất khẩu thiết bị quân sự và quốc phòng trị giá hàng triệu đô la cho chính quyền Hồng Kông, các thiết bị gồm cả các "tác nhân độc hại" như "hơi cay và chất chống bạo động".
Nhưng khi những người biểu tình tiếp tục làm náo loạn Hồng Kông với yêu cầu đòi không gian tự do lớn hơn và Trung Quốc bắt đầu tập trung quân đội ở biên giới, các nhà lập pháp hai đảng tại Mỹ đang đặt ra mối lo ngại về vai trò của nước này trong việc chống lại bất kỳ sự đàn áp bạo lực nào.
Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã đưa ra tuyên bố kêu gọi chính quyền nước này ngăn chặn xuất khẩu thiết bị đó trong tương lai - và một số đang lên kế hoạch dùng luật để ngăn chặn việc bán thiết bị đó.
Mối quan tâm của cả lưỡng đảng Mỹ
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz của Texas đã viết trên Twitter vào tháng trước về chuyện Hoa Kỳ đã cấm xuất khẩu thiết bị kiểm soát tội phạm bằng hơi cay sang Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn.
Dân biểu (hay còn gọi là Hạ nghị sĩ) Jim McGitas, một đảng viên Dân chủ tại Massachusetts, hôm thứ hai, 12.8 đã nêu lên những lo ngại trên twitter: "Do chính quyền Hồng Kông sử dụng vũ lực quá mức và thiếu sự kiềm chế, tôi sẽ sớm đưa ra luật để đình chỉ việc bán đạn dược, vật dụng cảnh sát & thiết bị kiểm soát đám đông của Hoa Kỳ cho cảnh sát Hồng Kông".
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa trả lời chất vấn của CNN. Còn Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ điều chỉnh "xuất khẩu các mặt hàng kiểm soát tội phạm để bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Đặc biệt, việc xuất khẩu thiết bị hơi cay và các thiết bị thực thi pháp luật khác của Mỹ, như bình xịt hơi cay và mũ cảnh sát, khiên, dùi cui, đến Hồng Kông cần có giấy phép của Bộ (thương mại) và Bộ sẽ tham vấn với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong việc xem xét các đơn xin cấp phép đó. Khi giấy phép được cấp, Bộ vẫn cam kết thực thi nghiêm túc các giấy phép đó".
Trách nhiệm cấp giấy phép xuất khẩu thiết bị hơi cay đã được chuyển từ Bộ Quốc phòng Mỹ sang Bộ Thương mại vào năm 2016, sau khi các thiết bị hơi cay bị loại khỏi danh sách vũ khí quân sự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Nhiều mặt hàng sát thương đến tay cảnh sát Hồng Kông
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao theo dõi việc xuất khẩu các mặt hàng quân sự và quốc phòng cho chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế, riêng năm 2017, năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thông qua việc xuất khẩu cho chính phủ Hồng Kông 600.000 đơn vị hàng, thiết bị trị giá hơn 1,9 triệu USD.
Ngoài các chất độc hại trị giá 81.000 USD - có thể gồm cả hơi cay - xuất khẩu bao gồm 291 "súng không tự động và bán tự động" và 20 xe chuyên dụng.
Trong năm 2015 và 2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng đã phê duyệt việc xuất khẩu chất độc hại trị giá 177.000 USD sang Hồng Kông, cũng như 333 "súng không tự động và bán tự động".
CNN chưa rõ liệu những vũ khí và đạn dược mà Mỹ bán cho chính quyền Hồng Kông đó có bao gồm súng hơi bắn đạn cao su hoặc đạn dạng túi đậu giống như những thứ đã được sử dụng để chống lại người biểu tình trong những ngày gần đây hay không.
Kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính phủ Mỹ đã cấm xuất khẩu vũ khí như vậy sang Trung Quốc đại lục nhưng lại vẫn đồng ý xuất khẩu thiết bị quân sự cho chính quyền Hồng Kông trong nhiều năm. Thực ra, việc này vốn có từ lúc Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh. Năm 1999, chỉ hai năm sau khi Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc, Hoa Kỳ cho phép xuất khẩu các nguyên liệu hóa học và thiết bị phân tán hóa chất cho chính quyền Hồng Kông, bên cạnh súng ngắn và các thiết bị quân sự khác.
"Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được coi là hai điểm đến riêng biệt theo luật Hoa Kỳ cho mục đích kiểm soát xuất khẩu", Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ giải thích. Nhưng với tình hình mới, Mỹ có lẽ cũng phải áp dụng việc thắt chặt cung cấp các thiết bị vũ trang cho Hồng Kông giống như từng áp dụng với Trung Quốc 30 năm trước.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điền thêm 4 doanh nghiệp bao gồm Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc vào Danh sách đối tượng của Bộ. Vấn đề này được phóng viên chất vấn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 15.8.
Đáp lại, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Như Trung Quốc đã đề cập, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc và ba công ty con vào Danh sách đối tượng của Bộ này vào ngày 13.8.
Bằng cách đó, Hoa Kỳ đã lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Nó làm tổn thương không chỉ các công ty Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ và hơn thế nữa. Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động của Mỹ nhằm làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc và các nước khác thông qua các chính sách đơn phương và bảo hộ. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ nắm bắt được tình hình, chấm dứt hành động sai trái của mình và bám sát tham vấn bình đẳng để có giải pháp".