Mỹ muốn giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng
Sau khi thăm Bến Tre và TPHCM, ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu - nói rằng, ông nhìn thấy những rủi ro nếu Việt Nam không tăng tốc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ông khẳng định, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2-6/9. Sáng 5/9, ông Kerry có cuộc gặp hẹp một số phóng viên tại Hà Nội để chia sẻ về mục đích và các hoạt động trong chuyến thăm.
Ông Kerry nói rằng, sau khi đi dọc sông Sài Gòn ở TPHCM, thăm tỉnh Bến Tre và kết hợp với kiến thức của các chuyên gia, ông nhìn thấy rõ những rủi ro nếu Việt Nam không chuyển đổi nhanh từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) sang năng lượng sạch. TPHCM gặp vấn đề triều cường gây ngập lụt, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân. Ở Bến Tre, có một nhà máy điện gió đã được xây dựng để cung cấp điện sạch, nhưng không có hệ thống truyền tải để hòa lưới. Ông Kerry nói rằng, đây là tình trạng không đồng bộ ở nhiều dự án điện mặt trời tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre… Đặc phái viên Mỹ cho rằng, các dự án này chưa được tận dụng triệt để khi chưa có hệ thống truyền tải phù hợp.
Theo ông Kerry, Việt Nam đã cho phép xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời, nhưng vẫn cần nhiều nhà máy hơn nữa. Đặc biệt, Việt Nam cần hệ thống truyền tải đủ công suất để tận dụng các nhà máy năng lượng tái tạo. “Nếu sản xuất được năng lượng tái tạo mà không thể truyền đi đâu được thì cũng không có tác dụng gì. Việt Nam cần xây dựng hệ thống truyền tải cho điện mặt trời và điện gió nhanh hơn”, ông nói.
Đặc phái viên Mỹ khuyến nghị Việt Nam khuyến khích cạnh tranh trên thị trường. Ông nêu ví dụ là lĩnh vực vận chuyển hàng không của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều từ khi có hãng tư nhân tham gia ngành này.
Hợp tác để tăng tốc
Đặc phái viên Kerry cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. “Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều quốc gia, kể cả Mỹ. Chúng ta chưa làm đủ nhanh. Đó là lý do tôi đến đây để thống nhất cách thức chúng ta có thể hợp tác với nhau để đẩy nhanh quá trình này”, ông nói.
Ông Kerry cho biết, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhân chuyến thăm nay, ông sẽ trình bày cách thức hỗ trợ của Mỹ, bao gồm hỗ trợ về tài chính, để Việt Nam có thể áp dụng công nghệ mới phục vụ việc chuyển đối năng lượng, giúp Việt Nam nhận được các nguồn tài chính quốc tế, chuyển giao công nghệ quốc tế để hiện thực hóa cam kết đưa ra tại COP26, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tổng thống Biden muốn thăm Việt Nam
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong rằng có phải chuyến thăm Việt Nam lần này là một trong những bước chuẩn bị để Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam trong năm tới, ông Kerry cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ rất muốn thăm Việt Nam nhưng hiện nay đang phải tập trung xử lý cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc, nên chưa có lịch thăm cụ thể. “Tôi biết là tổng thống rất muốn đến (Việt Nam). Tôi tin rằng, ông ấy sẽ làm điều đó trước khi kết thúc nhiệm kỳ”, ông Kerry nói.
Về một số ý kiến cho rằng chi phí sản xuất điện sạch cao hơn điện than, ông Kerry cho rằng, cần sản xuất nhiều điện gió và điện mặt trời hơn để giá thành dần giảm xuống. Theo ông, than là nhiên liệu đắt, đặc biệt còn gây ra nhiều chi phí môi trường, axít hóa đại dương, hiệu ứng nhà kính, mưa axít phá hoại các rạn san hô, làm mất sinh kế của người dân… Trên thế giới, điện gió, điện mặt trời đang phát triển rất mạnh, sau này sẽ rẻ hơn điện than. “Hiện nay, 25% công suất của Việt Nam là năng lượng tái tạo, nhưng mới sử dụng khoảng 4%, nghĩa là vẫn còn lãng phí rất nhiều”, ông Kerry nói.
Trả lời câu hỏi vì sao châu Âu có nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời nhưng vẫn gặp khủng hoảng nặng nề khi bị giảm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, ông Kerry cho rằng, ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời và ngắn hạn. Chắc chắn châu Âu sẽ không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, điện than sẽ chỉ còn chiếm tỷ trọng tối thiểu. “Chúng ta phải có khung thời gian để chuyển đổi sang điện sạch. Các nhà máy điện than không nên tồn tại quá khung chuyển đổi năng lượng. Đây là một cuộc cách mạng về kinh tế, về năng lượng, giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây”, ông Kerry nói.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra chậm, khi còn những tranh luận chính trị và quan điểm khác nhau. “Tất cả các nước cần đi nhanh hơn. Mỹ có thể giúp Việt Nam đi nhanh hơn”, ông nói.