Mỹ muốn hàn gắn mối quan hệ với Ấn Độ trước thềm thượng đỉnh Quad

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của 'bộ tứ an ninh' Quad vào ngày 24/5 tới tại Tokyo, cùng với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đây được xem như một cơ hội để Mỹ củng cố lại mối quan hệ từng rất triển vọng song lại rạn nứt gần đây với Ấn Độ.

Những sự đổ vỡ đáng tiếc

Vào năm 2015, Mỹ và Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố mang tính bước ngoặt trong quan hệ đối tác quân sự khi cùng phát triển động cơ phản lực và công nghệ tàu sân bay. Ấn Độ muốn công nghệ này để phát triển máy bay chiến đấu phản lực của riêng mình, dựa theo sáng kiến “Made in India” của Thủ tướng Narendra Modi.

Nhưng sau đó dự án đã bị đình chỉ vào năm 2019, khi đôi bên có những sự khác biệt về những công nghệ nào sẽ hữu ích cho Ấn Độ. Thay vào đó, Mỹ và Ấn Độ chỉ đồng ý hợp tác về công nghệ máy bay không người lái, vũ khí nhỏ nhẹ và hệ thống hỗ trợ máy bay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Ảnh: GI

Bài liên quan

Mỹ xem xét bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc

Đức hỗ trợ Ấn Độ 10 tỷ euro trong cam kết về khí hậu

Người đứng đầu LHQ kêu gọi quân đội Burkina Faso, Guinea, Mali trao lại quyền lực cho nhân dân

Công nhân Hy Lạp biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cao

Tóm lại, câu chuyện của mối quan hệ Mỹ-Ấn được gói gọn trong các ý: tiến triển ngày càng tăng, cơ hội bị bỏ lỡ và tiềm năng chưa được đáp ứng. Một phần, những khởi đầu sai lầm như vậy là do sự mất lòng tin trong nhiều thập kỷ, bắt nguồn từ các quan hệ đối tác trong quá khứ: Ấn Độ với Nga, Mỹ với Pakistan.

Bất chấp việc Delhi dè chừng Bắc Kinh và ông Modi muốn thúc đẩy một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, Ấn Độ vẫn đang quan hệ với Mỹ một cách thận trọng và chưa muốn tiến sâu vào "mạng lưới quốc tế" của Mỹ.

Song rất may, mối quan hệ giữa 2 bên vẫn còn một cứu cánh. Đó là sáng sự hồi sinh của Bộ tứ Quad, liên minh không chính thức giữa Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Sáng kiến này được nhiều người coi như đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Và Hội nghị thượng đỉnh Quad năm nay sắp diễn vào ngày 24/5 tới tại Tokyo, Nhật Bản.

Trước đây, vào năm 2005, Mỹ và Trung Quốc từng ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự và quan hệ đối tác quốc phòng kéo dài 10 năm, được gia hạn vào năm 2015, và doanh thu bán vũ khí lớn của Mỹ cho Ấn Độ đã tăng từ gần 0 vào năm 2008 lên hơn 20 tỷ USD kể từ đó. Họ cũng đã ký bốn "thỏa thuận cơ bản" cho phép hợp tác quân sự.

Ngoài việc thành lập Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng (DTTI) vào năm 2012 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ quân sự của Mỹ cho Ấn Độ, Mỹ đã vinh danh Ấn Độ là “Đối tác Quốc phòng chính” vào năm 2016 và dành cho ưu đãi “Ủy quyền Thương mại Chiến lược” vào năm 2018. Sau đó, Mỹ cuối cùng đã có thể bán phần mềm và công nghệ quân sự nhạy cảm cho Delhi.

Bất chấp tiến độ đó, sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn diễn ra chậm chạp. Ông Joshua White thừa nhận rằng sáng kiến DTTI này đã không thành công và đưa ra một số giả thuyết về lý do tại sao.

Ông White, người từng là giám đốc phụ trách các vấn đề Nam Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền ông cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết: “Một số ý kiến cho rằng Mỹ về cơ bản đã ngại chia sẻ các công nghệ nhạy cảm hoặc các đề xuất hợp tác còn quá khiêm tốn". Những người khác đổ lỗi cho Ấn Độ vì mong muốn những thứ nhạy cảm nhất.

Vì tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã và đang đa dạng hóa, trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn hàng đầu trên toàn cầu. Khoảng 70% kho vũ khí của Ấn Độ hiện tại vẫn do Nga sản xuất.

Các tàu chiến của Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ trong cuộc tập trận chung trên biển vào ngày 31/8/2021. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Úc

Tuy nhiên, bà Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến của Viện Hudson về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á, nói rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội hiếm có để lấy lại thị trường vũ khí tại Ấn Độ. Và điều quan trọng như bà nói là: “Mỹ cần thuyết phục người Ấn Độ rằng đây là chiến lược, không phải kinh doanh".

Thực ra, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn rất hứa hẹn và có nhiều triển vọng sẽ được hàn gắn.

Bất chấp những trở ngại, Washington và Delhi đã đạt được tiến bộ trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh. Ấn Độ hiện tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự với Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Ngoài việc ký một thỏa thuận đặt nền tảng cho sự hợp tác nhiều hơn trong không gian tại cuộc đối thoại 2 + 2 trong tháng này, Ấn Độ đã tham gia Lực lượng Đặc nhiệm Hàng hải Liên hợp - một đối tác đa quốc gia - với tư cách là đối tác liên kết.

Chỉ huy các hoạt động hải quân của Mỹ, Đô đốc Michael Gilday ca ngợi quyết định của Delhi về việc gia nhập nhóm hàng hải, nói rằng nó là điềm tốt cho sự hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Tôi đã dành nhiều thời gian ở Ấn Độ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi thấy họ là một đối tác chiến lược to lớn trong tương lai”, ông nói tuần trước tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Với tầm quan trọng về địa chính trị trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ và Ấn Độ rất có thể sẽ sớm gạt bỏ những sự khác biệt trong quá khứ, để tìm kiếm những lợi ích chung trong khu vực rộng lớn, giàu cơ hội song cũng nhiều bất ổn này.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-muon-han-gan-moi-quan-he-voi-an-do-truoc-them-thuong-dinh-quad-post193932.html