Mỹ muốn hỗ trợ 52 tỷ USD cho sản xuất nghiên cứu chất bán dẫn
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, đề xuất hỗ trợ 52 tỷ USD từ Chính phủ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn có thể tạo ra từ 7 - 10 nhà máy mới tại nước này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo mới đây cho biết đề xuất hỗ trợ 52 tỷ USD từ Chính phủ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn có thể tạo ra từ 7 - 10 nhà máy mới tại nước này.
Phát biểu tại một sự kiện bên ngoài nhà máy sản xuất chip Micron Technology Inc vào ngày 24/5, bà Raimondo dự báo rằng nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ sẽ tạo ra hơn 150 tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chip - bao gồm các khoản đóng góp từ chính quyền tiểu bang, liên bang và các công ty thuộc khu vực tư nhân.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ kỳ vọng các bang sẽ cạnh tranh để nhận được nguồn tài trợ liên bang cho các cơ sở sản xuất chip, đồng thời cam kết Bộ này sẽ đưa ra một quy trình cấp vốn minh bạch.
Tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu do nhu cầu tăng vọt đối với các thiết bị điện tử trong thời kỳ đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác.
Những “đại gia” ngành ô tô bao gồm General Motors Co, Ford Motor Co và Toyota Motor Corp đều phải thông báo giảm sản lượng trong năm nay do tình trạng thiếu hụt chip nêu trên.
Tuần trước, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã công bố một dự luật lưỡng đảng đã qua sửa đổi, trong đó đề cập với việc chi 52 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ trong giai đoạn 5 năm. Những người ủng hộ khoản tài trợ lưu ý rằng Mỹ từng nắm 37% thị phần sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử vào năm 1990, nhưng con số này ngày nay chỉ còn 12%.
Dự luật sẽ bao gồm 39 tỷ USD cho việc khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn, bên cạnh 10,5 tỷ USD cho các chương trình bao gồm Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, Chương trình Sản xuất Bao bì Tiên tiến Quốc gia và những chương trình khác./.