Mỹ muốn 'lấy lòng' NATO để chặn Trung Quốc tại Bắc Cực?
Theo một chỉ huy hải quân Mỹ, Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên duy trì quan hệ thân cận để bảo vệ lợi ích của họ tại Bắc Cực khi Trung Quốc mở rộng phạm vi ra khắp thế giới.
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức ngày 25-6, Đô đốc James Foggo, chỉ huy của Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu - châu Phi, nói Trung Quốc đang "tăng cường tìm cách khai thác Bắc Cực" và hoạt động của nước này trong khu vực, cũng như tại châu Phi và châu Âu, đặt ra mối lo ngại an ninh cho Mỹ và các thành viên khác của liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương.
"Họ đang để mắt tới những cơ hội đầu tư từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đến tiềm năng giao thông hàng hải thương mại tương lai của "Con đương Tơ lụa vùng cực" - trích lời ông Foggo về tham vọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường đến Bắc Cực bằng cách phát triển các tuyến đường vận chuyển được mở nhờ sự nóng lên toàn cầu.
Bắc Kinh nói lợi ích của họ tại Bắc Cực hầu hết có liên quan đến thương mại và bảo vệ môi trường nhưng ông Foggo cho rằng khu vực này có thể trở thành trọng tâm của "những tuyên bố không có thật".
"Vì Trung Quốc từng đưa ra những yêu sách vô lý về các tuyến đường thủy quốc tế tại biển Đông, có thể họ cũng sẽ tìm cách bẻ cong các quy tắc theo hướng có lợi cho mình tại Bắc Cực" - trích lời ông Foggo.
Vị đô đốc này cũng nhấn mạnh công nghệ viễn thông 5G và việc kiểm soát cơ sở hạ tầng cảng là những nguyên nhân gây lo ngại cho châu Âu. "NATO không thể tiếp tục làm lơ các hoạt động của Trung Quốc tại châu Âu" - ông nhận định.
Trung Quốc đã bắt tay vào một cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỉ USD dưới danh nghĩa Sáng kiến Vành đai và Con đường để liên kết các nền kinh tế vào một mạng lưới thương mại tập trung vào Trung Quốc. Sáng kiến này liên quan đến hơn 125 nước nhưng đang bị bao vây bởi tranh cãi, bao gồm cả những lo ngại về tính bền vững của nợ.
Ông Foggo cho rằng sự đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi và châu Âu có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính quyền địa phương và làm tổn hại lợi ích của Hải quân Mỹ trên toàn thế giới.
Ngoài ra, ông cho rằng Trung Quốc đang mua "các trang tin và công ty giải trí để đẩy mạnh tuyên truyền và xóa bỏ bất kỳ chỉ trích nào nhắm vào chính phủ". Theo lời ông Foggo, các lãnh đạo Trung Quốc và những nhà ngoại giao "Chiến lang" đang "hạn chế thông tin về Covid-19 và quyên góp thiết bị, nhân công, ngay cả ở châu Âu như một cách để thể hiện rằng họ là một nhà lãnh đạo thế giới".
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, nhận định quan điểm của ông Foggo có thể được xem là một phần nỗ lực lấy lòng NATO của Washington để đối đầu Trung Quốc. "Mỹ đang tìm cách mở rộng khả năng của NATO tại phía Tây Thái Bình Dương và Bắc Cực. Nhờ Mỹ thúc đẩy, NATO đã bắt đầu chú ý đến Trung Quốc. Nhưng là một liên minh quân sự tại châu Âu, NATO lại xem Nga là đối thủ quan trọng" - trích lời ông Song.