Mỹ nan giải, nhiễm mới COVID-19 kỷ lục gần 39.000 người/ngày
Tổng thống Trump ký gói giải cứu gần 500 tỉ USD hỗ trợ người lao động và các bệnh viện khi số người chết vì COVID-19 tại Mỹ vượt hơn 52.000.
Tính đến cuối ngày 24-4 (giờ Mỹ, tức sáng 25-4 giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong vì COVID-19.
Cụ thể, ngày 24-4, Mỹ ghi nhận 1.951 ca tử vong mới, đưa số người chết vì COVID-19 lên 52.185 người. Tổng số người chết này đã tăng gấp đôi chỉ sau 10 ngày.
Mỹ cũng ghi nhận 38.764 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, một mức cao kỷ lục. Tổng số ca nhiễm hiện tại ở mức 925.038 ca, theo trang thống kê Worldometer.
Gói giải cứu 484 tỉ USD hỗ trợ người lao động và bệnh viện
Ngày 24-4, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói giải cứu trị giá 484 tỉ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế và hệ thống y tế đang bị ảnh hưởng vì đại dịch, theo hãng tin Reuters.
Đài NBC News cho biết trong gói giải cứu kinh tế này, 370 tỉ USD sẽ được hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ để trả lương cho người lao động trong thời gian đóng cửa. Ngoài ra, 75 tỉ USD sẽ được đưa đến bệnh viện giúp vượt qua khó khăn do đại dịch và 25 tỉ USD được dùng để đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19.
Tổng thống Trump bày tỏ cảm ơn Quốc hội vì “đã nghe lời kêu gọi của mình” và xem đây là “một chiến thắng vô cùng to lớn”.
Ông Trump nói thêm rằng, số tiền hỗ trợ sẽ được chuyển cho các doanh nghiệp nhỏ để đưa đến tay người lao động thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP).
“Thực sự là điều tuyệt vời cho các doanh nghiệp và cho người lao động” - ông Trump nói.
Đây là gói cứu trợ thứ tư đã được Quốc hội Mỹ thông qua để ứng phó với đại dịch COVID-19. Tổng giá trị các gói hỗ trợ đã lên tới 3.000 tỉ USD, theo NBC News.
Các thành viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều hoan nghênh gói cứu trợ thứ tư này.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện - Nghị sĩ Mitch McConnell viết trên Twitter rằng “Gói giải cứu lần này tiếp tục củng cố một số phần của gói giải cứu hơn 2.000 tỉ USD được thông qua vào tháng trước. Gói giải cứu này sẽ giúp giữ việc làm cho hàng triệu người Mỹ”.
Các bang "rầm rộ" mở cửa lại kinh tế
Các bang miền Nam nước Mỹ đang là tâm điểm của các cuộc tranh luận khi tiến hành mở cửa lại nền kinh tế, bất chấp khuyến cáo từ các chuyên gia y tế. theo Reuters.
Tại Georgia, Thống đốc bang này - ông Brian Kemp thông báo đã cho phép các phòng tập thể dục, tiệm làm tóc, tiệm xăm và một số cửa hàng dịch vụ khác hoạt động trở lại.
Còn bang Oklahoma từ ngày 24-4, một số doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Cùng ngày 24-4, bang Tennessee mở cửa phần lớn trong tổng số 56 công viên của bang. Từ tuần sau, các nhà hàng, hệ thống bán lẻ sẽ mở cửa trở lại.
Từ tuần trước, bang Florida đã cho phép người dân quay trở lại các bãi biển ở phía bắc bang này. Bang South Carolina cũng sẽ nới lỏng một số hạn chế và mở cửa nền kinh tế từ đầu tuần tới.
Tại Texas, các cửa hàng tại đây sẽ thực hiện mở cửa, giao hàng hóa đến nhà người tiêu dùng. Còn người tiêu dùng muốn tự đi mua thì phải ngồi trong xe hơi bên ngoài cửa hàng và chờ nhân viên đưa tới.
Nhiều lo ngại khi các bang mở cửa sớm
Tại New York, bang bị COVID-19 “tấn công” nặng nề nhất nước Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo nói rằng việc các bang khác tại Mỹ mở cửa nền kinh tế quá sớm sẽ là mối nguy hiểm cho các bang còn lại.
"Giả sử có người nhiễm virus và lên máy bay đi đến New York thì sẽ ra sao. Những việc mở cửa lại kinh tế thế này cần phải có sự tính toán điều hành” - ông Cuomo nói trong buổi họp báo hôm 24-4.
Ông Keisha Lance Bottoms, Thị trưởng TP Atlanta, bang Georgia, bày tỏ lo ngại rằng bang này không có đủ nguồn lực bệnh viện đối phó với đại dịch và cảnh báo có thể xuất hiện làn sóng nhiễm bệnh thứ hai trên toàn bang.
Theo đánh giá của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, số người nhập viện vì COVID-19 tại Georgia sẽ đạt đỉnh vào tuần tới. Hiện Georgia có tới 22.491 ca nhiễm và 899 ca tử vong vì COVID-19, theo Worldometer.
Trong khi đó, bang Oklahoma dù có số ca nhiễm và tử vong ít hơn Georgia nhưng dự kiến vào ngày 28-4 tới, số người nhập viện vì COVID-19 cũng sẽ đạt đỉnh. Theo IHME, bang này lẽ ra nên nới lỏng các biện pháp ít nhất là đến ngày 17-6.