Mỹ nâng cao khả năng vận chuyển xe chiến thuật bằng đường không
Lục quân Mỹ vừa công bố gói thầu tìm kiếm một hệ thống thả dù mới trên máy bay vận tải quân sự cho nhiệm vụ đổ bộ của xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ JLTV.
Bộ tư lệnh vận tải (USTRANSCOM) sẽ tài trợ vốn cho dự án này. Các nhà thầu có thời hạn 3 năm để nghiên cứu, phát triển, sản xuất nguyên mẫu và lắp đặt trên máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster III để thử nghiệm.
Hiện tại, hệ thống thả dù trên máy bay C-17 có thể vận chuyển tối đa 8 xe bọc thép Humvee. Tuy nhiên, xe JLTV mà Lục quân Mỹ đang thực hiện chương trình thay thế xe Humvee lại có trọng lượng và kích thước lớn hơn so với “người tiền nhiệm” nên mỗi chiếc C-17 chỉ có thể mang theo 2 xe JLTV.
Đối với nhiệm vụ đổ bộ, việc mang hạn chế các xe JLTV sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ triển khai phương tiện của Lục quân Mỹ cũng như gây tốn kém nhiên liệu do máy bay vận tải phải thực hiện nhiều chuyến hoặc phải huy động một lượng lớn máy bay vận tải.
Chính vì lý do trên, lực lượng này mong muốn rằng hệ thống thả dù mới sẽ nâng gấp đôi số lượng xe JLTV có thể triển khai từ một máy bay, từ 2 lên 4 xe, trong khi vẫn đảm bảo không làm ảnh hưởng tới kết cấu khung thân của máy bay.
Trước đó, vào tháng 3-2019, sư đoàn không vận số 82 của Lục quân Mỹ cũng hoàn thành nghiệm thu hệ thống dù hỗ trợ cho xe JLTV đổ bộ từ máy bay C-17. Chương trình này nhằm kiểm tra khả năng vận hành và tác chiến của xe JLTV trong các nhiệm vụ đổ bộ đường không.
Xe JLTV là một phần trong chương trình hiện đại hóa của Lục quân Mỹ để thích nghi với môi trường tác chiến hiện đại. Đây là dự án chung được khởi động từ năm 2006 giữa Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm thay thế xe Humvee và xe quân sự bọc thép chống mìn (MRAP).
Với trọng tải khoảng 7 tấn, xe JLTV có kích cỡ lớn hơn Humvee (3,5 tấn), nhỏ hơn MRAP (14-18 tấn). Xe đạt vận tốc tối đa 160km/h trên đường trường, trong khi Humvee và MRAP chỉ lần lượt đạt 120km/h và 104km/h.
Không giống Humvee, các bộ phận bọc thép phủ bên ngoài của xe JLTV được chế tạo để chúng dễ bong ra thành từng mảnh khi trúng mìn, vì thế lực nổ sẽ bị phân tán khỏi buồng lái, giúp giảm sát thương. Hỏa lực của xe JLTV là một tháp vũ khí điều khiển bởi binh sĩ hoặc điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn cung cấp các thiết bị tác chiến điện tử cũng như công nghệ giám sát tình hình chiến trận...
Xe JLTV có nhiều biến thể cho các mục đích sử dụng khác nhau như chở quân, chống tăng, vận tải hạng nhẹ, phòng không, trinh sát, cứu thương và chỉ huy.