Mỹ, NATO và Nga đang tái hiện phiên bản Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực?
Hải quân Mỹ, NATO và Nga gần đây đã cạnh tranh khốc liệt trong việc tiến hành diễn tập đối kháng theo kiểu Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực.
Nga đang chuẩn bị bố trí tổ hợp vũ khí “bất khả chiến bại” ở Siberia để biến Bắc Cực thành “vùng cấm” đối với NATO, Mỹ, đồng thời nâng cao khả năng răn đe các đối thủ khác.
Tạp chí The Economist của Anh ngày 11/5 đưa ra báo cáo "Mỹ, Anh và Nga diễn tập Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực", nội dung nhấn mạnh, biển Barents không phải là một nơi “dễ chịu”, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một tàu ngầm ở Anh được điều đến để trinh sát vùng biển này và đã báo cáo rằng, vùng biển này bị bao phủ bởi tuyết và băng giá trong nhiều giờ liền. Đây là một “khối băng” khổng lồ và không có gì đáng ngạc nhiên khi các tàu chiến Mỹ không đặt chân đến vùng biển này kể từ giữa những năm 1980.
Tuy nhiên, gần đây, các tàu chiến Mỹ đã quay trở lại Biển Barents như một phần trong kế hoạch của Hải quân NATO để tiến dần về phía bắc. Năm 2018, NATO đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh ở Na Uy - cuộc tập trận mang tên Trident Juncture, Thụy Điển và Phần Lan cũng tham gia cuộc tập trận này. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm Mỹ điều một tàu sân bay tiếp cận khu vực Bắc Cực, sau đó, các tàu chiến phương Tây thường xuyên ghé thăm Bắc Cực.
Vào ngày 1/5, hai tàu khu trục, một tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế và máy bay tuần tra hàng hải tầm xa của Hải quân Mỹ đã hình thành một "lữ đoàn chiến đấu mặt nước", cùng một tàu khu trục của Hải quân Anh đã tiến hành diễn tập nâng cao các kỹ năng chống ngầm ở biển Na Uy. Cuộc tập trận này không có gì bất thường, tuy nhiên, sau đó vào ngày 4/5, một số tàu chiến trong số này cùng một khu trục hạm khác và tiếp tục đi về phía bắc vào Biển Barents.
Mặc dù các tàu ngầm của Mỹ và Anh vẫn thường ẩn nấp trong môi trường xung quanh, bí mật trinh sát các cơ sở quân sự của Nga và do thám các cuộc tập trận của Nga, nhưng các tàu mặt nước đã không làm như vậy trong 20 - 30 năm trở lại đây.
Vào ngày 7/5, Hải quân Nga đã chào đón những “vị khách không mời mà đến” này, khi tuyên bố cũng tiến hành tập trận ở biển Barents và đó là một cuộc tập trận bắn đạn thật. Ngày 8/5, các tàu chiến của NATO đã tổ chức Ngày Chiến thắng Châu Âu ở “sân sau” của Nga và dành thêm vài ngày để hoàn thành cuộc tập trận "tác chiến liên tục đỉnh cấp" trước khi rời biển Barents.
Động thái của NATO có ý nghĩa quan trọng, việc điều động các tàu khu trục với hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và tên lửa hành trình tấn công đối đất mạnh mẽ đã tạo ra khả năng răn đe rất lớn đối với Nga, biển Barents là “trái tim” của sức mạnh Hải quân Nga bao gồm cả vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Hạm đội phương Bắc của Nga đóng quân ở Severomorsk trên bán đảo Kola, phía tây là biên giới phía bắc với Na Uy.
Hải quân Mỹ tuyên bố, một trong những mục đích chính của việc vào biển Barents là "duy trì tự do hàng hải". Kể từ đầu năm 2020, Nga đã liên tiếp ban hành các quy định hạn chế tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải Bắc Cực "Tuyến đường biển phương Bắc" nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày càng có nhiều băng tan chảy ở Bắc Cực, cùng với các tác động tiêu cực thì việc này cũng làm cho tuyến hàng hải ở đây ngày càng dễ di chuyển hơn.
Mỹ đã bác bỏ các yêu cầu của Nga, và nhấn mạnh rằng, theo luật biển, các tàu chiến quốc gia khác có đi qua vô hại trong các vùng lãnh hải trên thế giới. Mặc dù tàu chiến Mỹ không đi vào "Tuyến đường biển phương Bắc" trong cuộc tập trận vừa qua, nhưng hành động này của Mỹ đang từng bước đặt nền móng để có thể tiến xa hơn trong tương lai.
Ngoài ra, Bắc Cực ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách quốc phòng của NATO. Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường sức mạnh của Hạm đội phương Bắc, bổ sung các thiết bị phòng không, kho vũ khí tên lửa và mở rộng quy mô Hạm đội này. Michael Coffman thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ cho biết, mặc dù số lượng tàu ngầm Nga không bằng Mỹ, nhưng tàu ngầm Nga ngày càng trở nên “bận rộn” ở Bắc Cực.
Các chỉ huy của NATO cũng nhận định rằng, các hoạt động của tàu ngầm Nga đã đạt mức cao nhất sau Chiến tranh Lạnh, trong đó tháng 10/2019, 10 tàu ngầm Nga đã tràn vào phía bắc Đại Tây Dương để xem xem liệu chúng có thể thoát khỏi khả năng trinh sát của NATO hay không.
Đặc biệt, Nga đang đóng nhiều tàu ngầm hiện đại mới, các tàu này rất yên tĩnh và được trang bị tốt. Nick Childs của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London gần đây đã đưa ra báo cáo nhấn mạnh, lợi thế sonar của NATO trong việc phát hiện tàu ngầm Nga đang ngày càng bị thu hẹp khoảng cách.
Nga hiện chủ yếu dựa vào các tàu ngầm tấn công để bảo vệ các “pháo đài” nằm ở biển Barents và biển Okshotsk. Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga được trang bị vũ khí hạt nhân đã thường xuyên tuần tra tại các khu vực này. Một số tướng lĩnh Hải quân NATO lo lắng rằng, một khi xảy ra xung đột, các tàu ngầm này sẽ tạo ra mối đe dọa lớn cho NATO. Ngoài ra, một lực lượng khác của Hải quân Nga đó là Tổng cục nghiên cứu Biển sâu Nga, cũng có thể phá hủy các tuyến dây cáp chạy dọc Đại Tây Dương.
Trong Chiến tranh Lạnh, các nước NATO từ lâu đã tìm cách thiết lập các “nhà tù” trong khu vực giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh để khóa hạm đội Liên Xô ở khu vực Bắc Cực. Nhưng giờ đây, chính hành động này của NATO đã làm cho Nga có được một sức mạnh khó có thể ngăn cản và sau nhiều năm từ bỏ Bắc Cực, Mỹ và NATO lại đang tìm cách để trở lại khu vực chiến lược này để hình thành thế bao vây, kiềm chế sự lớn mạnh của Hải quân Nga.