Mỹ-Nga: Sau đánh vào xuất khẩu dầu liệu có đến vùng cấm bay?

Sau khi ra lệnh cấm nhập dầu Nga - từ đề xuất của một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng, liệu ông Biden có quyết định lập vùng cấm bay ở Ukraine - theo như thư thỉnh cầu của nhóm 27 nhân vật đại diện giới tinh hoa Mỹ?

Ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và các dạng năng lượng khác của Nga nhằm đáp trả việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Ông Biden cho biết lưỡng đảng đều ủng hộ động thái này, dù biết động thái này chắc chắn sẽ làm tăng giá năng lượng của Mỹ.

Trước đó, hôm 3-3, một nhóm gồm 18 thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ, do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski dẫn đầu, đã đề xuất Dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga.

“Năng lượng đã được vũ khí hóa và về cơ bản chúng ta có khả năng chống lại vũ khí đó” - theo ông Manchin.

Sau khi ký sắc lệnh cấm nhập dầu Nga, Tổng thống Biden cho biết chính quyền Washington và người dân Mỹ sẽ còn giáng thêm đòn trừng phạt mạnh nữa để đáp trả các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính quyền Moscow.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BBC

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BBC

Ông Biden không tiết lộ chi tiết lệnh trừng phạt mạnh tiếp theo mà chính quyền Mỹ đang nhắm tới là gì, song giới quan sát đang đồn đoán không biết liệu biện pháp trừng phạt này có liên quan đến việc hình thành một vùng cấm bay ở Ukraine hay không.

Giới tinh hoa Mỹ đòi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine

Đài truyền hình NBC hôm 8-3 cho biết 27 người đại diện “giới tinh hoa của Mỹ” đã cùng ký một lá thư gửi chính quyền Tổng thống Biden để kêu gọi ông thiết lập vùng cấm bay hạn chế trên lãnh thổ Ukraine để bảo vệ việc lập các hành lang nhân đạo ở nước này.

“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thúc giục chính quyền Tổng thống Biden, cùng với các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), áp đặt vùng cấm bay hạn chế đối với Ukraine, bắt đầu bằng việc bảo vệ các hành lang nhân đạo đã được thống nhất trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine” - bức thư viết.

Ký tên dưới bức thư gồm 27 người, trong số đó có nhiều cựu quan chức, dẫn đầu là ông Robert McConnell, đồng sáng lập Quỹ Mỹ-Ukraine, theo trang tin Politico.

Ông Kurt Volker - cựu Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine và là cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, ông Alexander Vershbow - cựu Phó Tổng Thư ký NATO và là cựu Đại sứ Mỹ tại Nga cũng nằm trong số 27 người ký lá thư.

“Cộng đồng quốc tế đã phản ứng nhanh chóng bằng việc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có và gia tăng đáng kể hỗ trợ quân sự để giúp Ukraine tự vệ. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tổn thất thương vong trên diện rộng” - 27 đại diện của giới tinh hoa Mỹ trình bày trong lá thư.

Trước đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã gửi lời cảm ơn những người dân Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine và cho biết rằng 74% người dân Ukraine ủng hộ việc thắt chặt trừng phạt đối với Nga, bao gồm việc đóng cửa không phận Ukraine. Vậy khả năng sẽ có một vùng cấm bay ở Ukraine hay không?

Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine để tránh xung đột. Ảnh: AFP

Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine để tránh xung đột. Ảnh: AFP

Mỹ và phương Tây nhiều lần bác ý tưởng lập vùng cấm bay

Chính quyền Mỹ đã nhiều lần bác ý tưởng lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine khi Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở dây, do việc đảm bảo vùng cấm bay sẽ đòi hỏi sự triển khai lực lượng từ quân đội Mỹ, đồng nghĩa với một cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng với Nga.

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo của các quốc gia NATO từng nhấn mạnh rằng họ không muốn đi tới bước thiết lập vùng cấm bay vì có thể dẫn đến các cuộc đụng độ trực tiếp giữa lực lượng Nga và NATO, khiến căng thẳng leo thang nhanh chóng và trở thành một cuộc chiến rộng hơn.

Về cơ bản, một khi hình thành vùng cấm bay, các phi công chiến đấu của hai bên sẽ cố gắng bắn hạ nhau, dẫn đến một sự leo thang mà nhiều người ví như cuộc chiến mới giữa các cường quốc hạt nhân.

“Tổng thống Biden đã rất rõ ràng về việc này, chúng ta sẽ không đưa Mỹ dính vào cuộc xung đột trực tiếp nào với Nga. Sẽ không có việc những chiếc máy bay Mỹ bay chống lại các máy bay Nga hoặc những người lính của chúng ta có mặt ở Ukraine” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

"Một cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Mỹ có thể sẽ dẫn đến việc sử dụng sức mạnh hạt nhân và có nguy cơ mở rộng chiến tranh từ Ukraine sang châu Âu. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là chấm dứt cuộc chiến này ở Ukraine, chứ không phải bắt đầu một cuộc chiến lớn hơn” - ông Blinken nhấn mạnh.

Lính Ukraine hỗ trợ nước sạch cho người dân ở TP Mariupol. Ảnh: AP

Lính Ukraine hỗ trợ nước sạch cho người dân ở TP Mariupol. Ảnh: AP

“Cách duy nhất để hình thành vùng cấm bay là đưa máy bay chiến đấu của NATO vào không phận Ukraine, sau đó áp đặt vùng cấm bay đó bằng cách bắn hạ máy bay Nga. Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm điều đó, chúng tôi sẽ kết thúc mọi thứ bằng một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu” - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích.

Mọi chuyện thậm chí còn phức tạp hơn thế. Để hình thành một vùng cấm bay, lực lượng không chiến sẽ cần được các lực lượng trên mặt đất hỗ trợ. Và những hoạt động này có thể được thiết lập ở Ba Lan hoặc các quốc gia NATO khác trong khu vực lân cận.

Mỹ và các đồng minh NATO cũng sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào đất liền để giải cứu các phi công bị bắn rơi và có thể phải hạ gục hệ thống phòng không trong lãnh thổ Nga hoặc Belarus.

“Ít nhất ban đầu sẽ là một cuộc chiến một chiều vì không quân của Mỹ và NATO có lợi thế rõ rệt. Nhưng rủi ro leo thang rất cao. Đó là một con dốc trơn trượt dẫn đến một cuộc chiến tranh mới” - ông Alexander Downes, đồng giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh và Xung đột tại ĐH George Washington (Mỹ), nhận định.

Binh sĩ Nga canh gác trước nhà máy hạt nhân Chernobyl, Ukraine. Ảnh: EPA

Binh sĩ Nga canh gác trước nhà máy hạt nhân Chernobyl, Ukraine. Ảnh: EPA

Nếu chỉ lập vùng cấm bay hạn chế thì thế nào?

Tuy nhiên, nhiều nhân vật cấp cao của Mỹ, bao gồm cựu Đại sứ Vershbow, cho rằng Mỹ vẫn có thể thiết lập một vùng cấm bay hạn chế.

Theo giới chức Mỹ, các nhà lãnh đạo NATO nên nói rõ cho Nga rằng “họ không tìm cách đối đầu trực tiếp với các lực lượng của Moscow. Về lý thuyết, Nga đã đồng ý cho phép bảo vệ các hành lang nhân đạo như vậy, nhưng sự tin tưởng vào những lời hứa và ý định của Moscow đang ở mức thấp”.

"Người Ukraine đã can đảm bảo vệ đất nước và tự do của họ, nhưng họ cần nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Việc Mỹ và NATO hình thành vùng cấm bay hạn chế để bảo vệ các hành lang nhân đạo và các phương tiện quân sự hỗ trợ cho sự tự vệ của Ukraine là rất cần thiết ngay bây giờ” - các quan chức Mỹ tuyên bố.

Câu hỏi về việc hình thành một vùng cấm bay ở Ukraine mà không kích hoạt xung đột với Nga cũng đang được quan chức các nước NATO thảo luận ở cấp độ cao nhất, tờ The Independent đưa tin.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Ảnh: SLATE

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Ảnh: SLATE

Trong ngày 8-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết một vùng cấm bay hạn chế để bảo đảm an toàn cho các hành lang nhân đạo và các cuộc di tản của người dân vẫn có thể khiến xung đột leo thang.

Bà Psaki nói rằng một động thái như vậy vẫn sẽ yêu cầu lực lượng Mỹ và NATO bắn hạ máy bay của Nga nếu chúng bay vào khu vực cấm bay, ngay cả khi đó chỉ là một khu vực nhỏ.

"Chúng tôi vẫn lo lắng về việc đó là một hành động có thể đưa Mỹ vào một cuộc chiến với Nga, đó không phải là điều mà Tổng thống có ý định làm” - bà Psaki nhấn mạnh.

Khung cảnh hoang tàn tại Ukraine sau các đợt không kích của Nga. Ảnh: THE TIME

Khung cảnh hoang tàn tại Ukraine sau các đợt không kích của Nga. Ảnh: THE TIME

Giới chức Mỹ mâu thuẫn về ý tưởng thiết lập vùng cấm bay

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nhấn mạnh ông không đồng ý một động thái như vậy và cho biết bất cứ ai ủng hộ việc hình thành vùng cấm bay ở Ukraine là một sự sẵn sàng để "tuyên chiến".

"Chúng ta hãy thoát khỏi ý tưởng về vùng cấm bay này. Đó sẽ là một hành động gây chiến. Nếu chúng ta cố gắng thiết lập một vùng cấm bay, điều đó có nghĩa là một phi công Mỹ phải bắn hạ một phi công Nga" - ông McFaul nói.

Bà Iulia-Sabina Joja, một giáo sư tại trường ĐH Georgetown, cho biết dù không nằm trong số những người ký bức thư nhưng bà ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Bà nhận định việc này sẽ đảm bảo sứ mệnh nhân đạo có thể diễn ra tại một khu vực an toàn, song thừa nhận tình hình căng thẳng giữa các quốc gia vũ trang hạt nhân chống lại nhau vẫn gây nên nhiều mối nguy.

“Một vùng cấm bay vẫn là một vùng cấm bay. Nguy cơ lực lượng Mỹ và NATO phải bắn hạ máy bay Nga vẫn còn đó” - bà nhận định.

Tuy nhiên, bà vẫn kêu gọi “các nước phương Tây hành động ngay lập tức”, vì Tổng thống Putin sẽ “không dừng chiến dịch quân sự của mình chỉ ở Ukraine”.

Một người biểu tình đeo cờ Ukraine trên vai cầm một tấm biển kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 6-3. Ảnh: THE KIEV INDEPENDENT

Một người biểu tình đeo cờ Ukraine trên vai cầm một tấm biển kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 6-3. Ảnh: THE KIEV INDEPENDENT

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, một thành viên đảng Cộng hòa và là một cựu phi công của lực lượng Không quân Mỹ, cho biết cần phải ngăn chặn ông Putin ngay bây giờ trước khi mọi việc quá trễ.

Người đồng cấp của ông, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, lại đứng về phía những người phản đối.

“Vùng cấm bay đã trở thành một câu cửa miệng. Tôi không chắc nhiều người hiểu hết điều đó nghĩa là gì. Đó không phải là một số quy tắc bạn thông qua mà mọi người phải bắt buộc. Đó là sự sẵn sàng bắn hạ máy bay của Nga, về cơ bản là khởi đầu của Chiến tranh thế giới thứ ba” - ông Rubio nói.

“Hầu hết các thiệt hại đang được thực hiện là do pháo và tên lửa, không phải của Không quân Nga. Vì vậy, một vùng cấm bay sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến căng thẳng có nguy cơ leo thang” - Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu, nói.

“Chúng tôi muốn giúp Không quân Ukraine có khả năng hạ gục máy bay không người lái và máy bay trực thăng, nhưng là với các giải pháp lâu dài hơn” - ông nói, gợi ý hệ thống tên lửa đất đối không Stingers, Avengers và Patriot là vũ khí lý tưởng.

Hiện tại, chiến lược của Mỹ là gửi một lượng lớn vũ khí vào Ukraine, một khoản hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu USD đang được chuyển giao đến Ukraine để hỗ trợ người dân nước này tự vệ, theo The Independent.

Trong lịch sử đã có ai thiết lập thành công vùng cấm bay hay không?

Một số nhà sử học chỉ ra rằng một vùng cấm bay đã từng được thiết lập trên bầu trời Iraq trong những năm 1990, liên quan đến Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Nhưng về cơ bản tình hình lúc bấy giờ khác xa so với của Ukraine hiện tại. Trong những năm 1990, khu vực này được thiết lập không phải giữa hai nước đang chiến đấu với nhau mà là giữa nhiều quốc gia đang làm việc cùng nhau để ngăn chặn kẻ thù chung là Iraq.

Các khu vực tương tự cũng đã được thành lập trong cuộc nội chiến ở Bosnia và Herzegovina từ năm 1993-1995, và trong cuộc nội chiến ở Libya năm 2011, với mức độ thành công và phức tạp khác nhau.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/mynga-sau-danh-vao-xuat-khau-dau-lieu-co-den-vung-cam-bay-1047663.html