Mỹ ngăn Trung Quốc hưởng lợi từ nguồn trợ cấp sản xuất chip 52 tỷ USD
Bộ Thương mại Mỹ đang hoàn tất các quy định cuối cùng nhằm ngăn chặn Trung Quốc và 'các quốc gia đáng quan ngại' khác hưởng lợi từ nguồn trợ cấp sản xuất chất bán dẫn của Washington, theo Reuters.
Quy định mới là rào cản cuối cùng trước khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bắt đầu trao khoản trợ cấp 39 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại nước này, Reuters nhận định.
Đạo luật "Chip và Khoa học" mang tính bước ngoặt của Mỹ đưa ra mức hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.
Quy định trên dựng "hàng rào bảo vệ" ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, bằng việc hạn chế bên nhận trợ cấp của Washingotn đầu tư mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở "các quốc gia đáng quan ngại" như Trung Quốc và Nga; đồng thời hạn chế bên nhận trợ cấp tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ cho "các tổ chức nước ngoài đáng quan ngại".
Vào tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ. Động thái này nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.
Tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã khẳng định trước Quốc hội rằng: "Chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác rằng không một xu nào trong số tiền trợ cấp có thể giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng ta".
Nếu bên nhận tài trợ vi phạm các quy định hạn chế, Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ thu hồi các khoản hỗ trợ liên bang.
Bộ trưởng Raimondo khẳng định rằng bà đang nỗ lực nhanh nhất có thể để khoản trợ cấp sản xuất chip được phê chuẩn.
"Tôi cảm thấy áp lực", Bộ trưởng Raimondo nói. "Chúng tôi bị chậm nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi làm đúng. Và nếu chúng tôi mất thêm một tháng hoặc vài tuần nữa để làm đúng, tôi sẽ bảo vệ điều đó vì điều đó là cần thiết", Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh.
Quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ cấm bên nhận trợ cấp mở rộng đáng kể năng lực sản xuất chất bán dẫn ở "các quốc gia đáng quan ngại" trong 10 năm. Nó cũng hạn chế bên nhận trợ cấp thực hiện nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ với "các tổ chức nước ngoài đáng quan ngại", nhưng cho phép thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, cấp phép bằng sáng chế và sử dụng các dịch vụ khuôn đúc và đóng gói chip.
Quy tắc mới do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất cũng cấm mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn cho các cơ sở tiên tiến và hàng đầu ở nước ngoài trong 10 năm. Quy định cũng xác định rõ rằng việc sản xuất tấm bán dẫn là một phần của hoạt động sản xuất chất bán dẫn.
Mỹ xác định việc mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn bao gồm cả việc mở rộng phòng sạch bán dẫn (semiconductor cleanroom) hoặc không gian vật lý khác; đồng thời quy định việc tăng công suất sản xuất lên hơn 5% là hành vi mở rộng sản xuất vật liệu.
Quy định mới của Mỹ cũng cấm bên nhận trợ cấp mở rộng không gian phòng sạch bán dẫn hoặc dây chuyền sản xuất mới khiến công suất của nhà máy vượt 10%.
Mỹ cũng định rõ một số chất bán dẫn thuộc diện quan trọng đối với an ninh quốc gia của nước này, cho nên đưa ra các hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất chip, bao gồm cả chip nút trưởng thành (mature node - công nghệ sản xuất chip ít tiên tiến hơn) và chip điện toán lượng tử thế hệ hiện hành, trong môi trường sử dụng nhiều bức xạ và cho các năng lực quân sự chuyên biệt khác.
Về phía Trung Quốc, nước này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và gecmani - hai loại kim loại quý đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Một tháng sau khi áp dụng các biện pháp này, kim ngạch xuất khẩu gali và gecmani của Trung Quốc trong tháng 8/2023 đã giảm về 0, theo dữ liệu được Hải quan Trung Quốc công bố tuần này. Trong tháng 7/2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 5,15 tấn gali và 8,1 tấn sản phẩm gecmani rèn.
Trung Quốc thường sản xuất khoảng 80% gali và khoảng 60% gecmani của thế giới, theo Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng.