Mỹ ngơ ngác khi tàu Nga áp sát vụ thử SM-6
Dù vụ thử tên lửa đánh chặn SM-6 đã diễn ra từ cuối tháng 5 nhưng đến nay, Hải quân Mỹ vẫn không chấp nhận được thất bại của nó.
Theo Popular Mechanics, Mỹ lại thêm một lần nữa đổ lỗi cho Nga về thất bại của vụ thử SM-6 và không hiểu tại sao tàu trinh sát điện tử Nga lại có thể đến quá gần vụ thử mà không bị phát hiện như vậy.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, tại thời điểm chiếc khu trục hạm Mỹ phóng 2 quả SM-6 đánh chặn mục tiêu giả định trong thử nghiệm, tàu trinh sát Kareliya của Hải quân Nga đậu cách lãnh hải Mỹ một hải lý.
Cơ quan này giải thích, tàu Kareliya được thả neo cách bờ biển phía tây của đảo Kauai thuộc Hawaii 13 hải lý. Lãnh hải Hoa Kỳ bắt đầu cách bờ 12 hải lý, vì vậy rõ ràng là con tàu đã cố gắng vào gần địa điểm thử nghiệm nhất có thể.
Nhưng điều đặc biệt là không hiểu tại sao, tại thời điểm con tàu xuất hiện, các phương tiện trinh sát Mỹ lại không thể phát hiện ra sự có mặt của nó.
Mọi chuyện chỉ được biết đến khi cuộc thử nghiệm tên lửa của Mỹ đã thực hiện xong với két quả thất bại hoàn toàn. "Mục tiêu cuộc thử nghiệm là để chứng minh khả năng của khu trục hạm Aegis khi phóng tên lửa SM-6. Nhưng cuối cùng cả 2 tên lửa phóng đi đều đánh chặn thất bại", phòng thủ Mỹ cho biết.
"Dù chưa có bằng chứng về việc tàu Nga tác động khiến tên lửa Mỹ bắn không trúng mục tiêu nhưng chúng tôi sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện. Cuộc điều tra về nguyên nhân thật sự dẫn đến thất bại đã gần có kết quả", cơ quan phòng thủ Mỹ cho biết.
Tên lửa SM-6 được Mỹ phát triển để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó nhiệm vụ chính là đánh chặn, đặc biệt là đánh chặn siêu thanh, nhiệm vụ tiếp theo là diệt hạm tầm xa.
Nhiệm vụ đánh chặn siêu thanh của SM-6 đã được Hải quân Mỹ nhiều lần nhắc đến. Đầu năm 2020, Giám đốc Cục ABM John Hill nói rằng, hệ thống tên lửa RGPWS có thể được tích hợp với bệ phóng đa năng Mk 41 hiện có được triển khai trên tàu hoặc các cơ sở trên bộ - điều đặt ra một số hạn chế về kích thước của tên lửa đánh chặn, nhưng mang lại lợi thế hoạt động lớn.
Hiện nay, một số tên lửa được sử dụng trên hệ thống Mk 41, trong đó có SM-6. Ngay sau đó, Michael Griffin - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Nghiên cứu và Phát triển - đã tiết lộ một số chi tiết về công việc hiện tại. Các chuyên gia đã xem xét các khả năng sẵn có và thành phẩm, bao gồm tên lửa SM-6.
Đã có một đề xuất thử nghiệm những vũ khí này trong vai trò "siêu âm" vào năm 2023. Giữa tháng 4/2021, Barbara McQuiston - Thứ trưởng Bộ Phát triển - đã phát biểu trước một Ủy ban Thượng viện về triển vọng của các hướng khác nhau.
Được biết, gần đây Hải quân đã chứng minh khả năng sử dụng tên lửa SM-6 để chống lại một "mối đe dọa cơ động tiên tiến". Khi nào một cuộc trình diễn diễn ra và như thế nào, không được đề cập. Ngoài ra, McQuiston cũng tiết lộ rằng, một cuộc trình diễn tương tự mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Sau đó, công việc sẽ được tiếp tục, và đến năm 2024, trên cơ sở SM-6, sẽ lên kế hoạch tạo ra một tên lửa chống tên lửa sẵn sàng chiến đấu hoàn chỉnh để đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.
Vậy cơ hội thực tế của SM-6 trong nhiệm vụ này thế nào? Tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 hay tên lửa chủ động tăng tầm RIM-174 được phát triển bởi Raytheon và được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ từ năm 2013; sau đó, đã được bán cho một số quốc gia thân thiện.
SM-6 là tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Chiều dài tên lửa 6,6 m, đường kính tối đa khoảng 530 mm; trọng lượng phóng 1500 kg, trong đó đầu đạn phân mảnh nặng 64 kg. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dẫn radar chủ động/thụ động.
Khi bay, SM-6 đạt tốc độ xấp xỉ 3,5M. Tầm bắn của phiên bản Block 1A là 240 km, trong quá trình hiện đại hóa sâu, có thể tăng gần gấp đôi; độ cao đạt 34 km. Tên lửa được vận chuyển trong thùng chứa-vận chuyển và phóng được đưa vào hệ thống đa năng Mk 41, cho phép SM-6 được sử dụng trên các tàu của nhiều dự án khác nhau, cả của Mỹ và nước ngoài.
Trong Hải quân Mỹ, tên lửa SM-6 được trang bị cho các tàu tuần dương dự án Ticonderoga và các tàu khu trục Arleigh Burke. ống phóng Mk 41 trên hạm cũng đồng thời được sử dụng như một phần của tổ hợp mặt đất tĩnh Aegis Ashore.
Ban đầu, SM-6 là tên lửa phòng không dùng để tấn công các mục tiêu khí động học ở khoảng cách rất xa tàu sân bay. Sau quá trình hiện đại hóa, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo trên quỹ đạo đi xuống.
Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được thể hiện, cả trong một môi trường bị gây nhiễu. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa có giải thích rõ ràng về thất bại của SM-6 trong vụ phóng cuối tháng 5/2021 ngoài chuyện đổ lỗi cho Nga.