Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson hồi tháng 8 viết thư gửi tư lệnh không quân Pakistan Mujahid Anwar Khan để khiển trách việc nước này "điều chuyển, duy trì và vận hành" tiêm kích F-16 cùng tên lửa AMRAAM do Mỹ sản xuất tại các căn cứ tác chiến tiền phương vốn không được phép trong thỏa thuận mua bán vũ khí giữa hai nước.
"Chúng tôi hiểu việc Pakistan điều chuyển các tiêm kích này là để phục vụ mục tiêu quốc phòng, nhưng chính phủ Mỹ coi việc triển khai chúng tới những căn cứ không được Mỹ phê chuẩn là hành động đáng lo ngại, không phù hợp với thỏa thuận mua bán tiêm kích F-16", Thompson cho biết.
Dù quan chức Mỹ không đề cập trực tiếp, lá thư được coi là phản ứng của Washington sau khi không quân Pakistan tuyên bố đã sử dụng tiêm kích F-16 để bắn hạ chiến đấu cơ MiG-21 Ấn Độ trong cuộc không chiến trên bầu trời Kashmir cuối tháng 2-2019.
"Những hành động như vậy có thể khiến công nghệ nhạy cảm của Mỹ rơi vào tay bên thứ ba, gây ảnh hưởng xấu tới cơ sở hạ tầng và nền tảng an ninh được chia sẻ giữa hai bên", bức thư có đoạn viết.
Thompson, một cựu đại tá lục quân Mỹ, rời khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9 và lá thư ông gửi cho tư lệnh không quân Pakistan chỉ được truyền thông Mỹ đăng ngày 11-12-2019.
Ấn Độ hồi tháng 3 trưng bày mảnh vỡ tên lửa có dòng chữ "AIM-120C-5", loại tên lửa đối không tầm trung do Mỹ chế tạo và được trang bị cho tiêm kích F-16 Pakistan, cáo buộc đây là quả đạn đã bắn hạ chiếc MiG-21.
Islamabad bác bỏ thông tin, khẳng định một tiêm kích đã khóa mục tiêu vào phi cơ Ấn Độ để răn đe rồi phóng tên lửa xuống đồng trống để tránh gây thương vong.
Hợp đồng mua bán F-16 giữa Washington và Islamabad đi kèm hàng loạt điều khoản hạn chế, trong đó Mỹ yêu cầu loại máy bay này chỉ được sử dụng cho mục đích "tăng cường khả năng thực hiện các chiến dịch chống khủng bố của Pakistan" và chỉ được đóng quân tại một số căn cứ nhất định.
Việc Pakistan triển khai F-16 không chiến với Ấn Độ được coi là hành động vi phạm thỏa thuận, khiến nước này có thể đối mặt với những biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ và đại sứ quán Pakistan tại Mỹ không bình luận về thông tin này.
Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng Thompson cố ý không nhắc tới cáo buộc tiêm kích F-16 Pakistan bắn hạ máy bay MiG-21 Ấn Độ, do điều này có thể trở thành bằng chứng cho thấy Islamabad vi phạm điều khoản thỏa thuận và buộc Washington khởi động quy trình trừng phạt vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách khôi phục quan hệ với đồng minh Nam Á.
Trận không chiến lớn nhất giữa Pakistan và Ấn Độ kể từ năm 1971 nổ ra trên bầu trời Kashmir sau khi không quân Ấn Độ tấn công địa điểm được cho là trại khủng bố trên đất Pakistan.
Sau trận không chiến, quân đội Ấn Độ hứng chịu chỉ trích nặng nề vì để mất chiến đấu cơ MiG-21 và phi công bị bắt làm tù binh. Căng thẳng giữa hai nước hạ nhiệt sau khi Pakistan trao trả phi công cho phía Ấn Độ.
Hiện không quân Pakistan đang có trong tay 72 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ, trong số này có tới 18 chiếc F-16C/D Block 52 Plus, đây được đánh giá là loại tiêm kích cực mạnh đủ sức đối đầu với Su-30MKI.
Những chiếc F-16C/D Block 52 Plus được Pakistan chính thức đưa vào biên chế năm 2010.
Có những chiến đấu cơ này, năng lực tác chiến của không quân Pakistan tăng lên rõ rêt.
Điểm dễ nhận thấy nhất của phiên bản Block 52 Plus là nó được tích hợp bình xăng vào thân. Việc thêm các thùng dầu phụ này giúp gia tăng đáng kể bán kính chiến đấu.
Khi không cần thiết chúng hoàn toàn có thể gỡ ra để giảm trọng lượng, tăng tính năng cơ động cho chiến đấu cơ.
Dù vậy phía nhà sàn xuất vũ khí đã khéo léo thiết kế để dù có gắn thêm thùng dầu phụ bên hông máy bay vẫn không làm giảm tính năng khí động học.
F-16D Block 52 được trang bị radar AN/APG-68 (V5) có chế độ tự động phát hiện và bám bắt, tầm trinh sát tối đa lên tới 296 km đối với máy bay cỡ lớn hoặc 105 km đối với tiêm kích có diện tích phản xạ radar (RCS) 5m2, theo dõi được 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc.
Động cơ F100-PW-229 của F-16D Block 52 ít tạo ra nguồn nhiệt ít hơn so với các chiến đấu cơ hai động cơ trong khi vẫn đảm bảo lực đẩy cần thiết.
Khả năng mang tải trọng vũ khí của F-16C/D vào khoảng gần 8 tấn, tức gần tương đương với dòng Su-30/35 của Nga vốn chỉ có khả năng mang 8 tấn dù là máy bay hạng nặng.
Những chiếc F-16C/D cực kỳ nhanh nhẹn và có thể làm đa nhiệm vụ, từ tấn công trên không, mặt đất đến cả trên biển.
Máy bay được vũ trang pháo M61A1 6 nòng 20 mm bố trí phía bên trái buồng lái. F-16C/D có 9 điểm treo vũ khí dưới cánh có thể mang tên lửa không đối không, đối đất, đối hải, bom thông thường, bom thông minh.
Cho tới thời điểm hiện tại, những chiếc F-16 vẫn đang được Mỹ tiếp tục sản xuất để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Việt Hùng (Tổng hợp)