Mỹ nhận định về chiến lược hạt nhân của Nga sau vụ Wagner
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: 'Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong việc bố trí lực lượng hạt nhân của Nga' sau cuộc nổi loạn ngày 24/6 của tập đoàn Wagner.
Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa ghi nhận sự thay đổi nào trong chiến lược hạt nhân của Nga liên quan đến cuộc nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner - theo các hãng tin CNN và TASS.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong việc bố trí lực lượng hạt nhân của Nga” - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Quan chức này chỉ ra rằng Washington "không có lý do gì để điều chỉnh trạng thái của lực lượng thông thường hay hạt nhân của chúng tôi" vì Mỹ đã có "các kênh liên lạc lâu nay và được thiết lập với Nga về các vấn đề hạt nhân."
Sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại Nga sẽ không thay đổi trước các sự kiện hiện tại - một quan chức khác cho biết. "Đại sứ quán Mỹ tại Moskva vẫn mở cửa, chúng tôi liên lạc thường xuyên với phái bộ ngoại giao và mọi hoạt động của phái bộ vẫn diễn ra bình thường vào thời điểm này."
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/6 cho biết Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ban lãnh đạo Nga trong các nỗ lực bình ổn tình hình trong nước sau cuộc nổi loạn của tập đoàn Wagner diễn ra hôm 24/6.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Tần Cương sau khi ông bay tới Bắc Kinh để thảo luận về các vấn đề "quốc tế."
Cũng trong ngày 25/6, đài truyền hình Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham dự cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga vào tuần tới.
Phát biểu trên đài truyền hình ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông vẫn liên lạc thường xuyên với Bộ Quốc phòng và Moskva vẫn tin tưởng vào việc hiện thực hóa các kế hoạch liên quan đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Hà Lan đã khuyến cáo công dân rời khỏi Nga và tránh tới nước này do tình hình "bất ổn” sau vụ việc Wagner, còn Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nêu rõ nước này không ủng hộ các hành động của nhóm Wagner.
Theo các nguồn tin từ Nga, ngày 25/6, các thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã rời thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga, cùng với thủ lĩnh Yevegeny Prigozhin.
Động thái diễn ra sau khi ông Prigozhin nhất trí chấm dứt cuộc nổi loạn chống lại giới lãnh đạo quân sự ở Moskva, với việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đứng ra làm trung gian đàm phán. Điện Kremlin thông báo ông Prigozhin sẽ tới Belarus và được miễn truy tố theo thỏa thuận giữa các bên.
Trong thông báo gửi báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh theo thỏa thuận do Tổng thống Lukashenko đề xuất và được Tổng thống Putin chấp thuận, các lực lượng Wagner sẽ rút về khu lều trại dã chiến của mình, nhằm chấm dứt đổ máu.
Ngày 25/6, TASS dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng cuộc nổi loạn vũ trang của tập đoàn lính đánh thuê Wagner là một chiến dịch có tính toán kỹ lưỡng, được tổ chức nhằm chiếm đoạt quyền lực.
Trao đổi với báo giới, cựu Tổng thống Medvedev nhấn mạnh: “Rõ ràng đây là một hoạt động được lên kế hoạch và tính toán kỹ lưỡng nhằm giành lấy quyền lực trong nước…
Diễn biến của các sự kiện hiện tại cho thấy hành động của những cá nhân tổ chức cuộc binh biến vũ trang hoàn toàn phù hợp với kế hoạch đảo chính được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và có tổ chức."./.