Mỹ nhân lộng quyền 'năm lần bảy lượt' hại chết con vua
Người vợ lẽ ghê gớm và ghen tuông nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc này vẫn được người chồng trẻ đầy uy quyền yêu và nể sợ cho tới tận khi chết.
Người phụ nữ này chính là Vạn Trân Nhi - nguyên mẫu trong vụ án “Ly miêu tráo Thái tử” được nói đến trong các phim về Bao Công. Và chồng bà chính là Minh Hiến Tông (tên thật là Chu Kiến Thâm). Đây là ông vua trẻ nổi tiếng sợ vợ lẽ là “máy bay bà già”.
Là người Thanh Châu (Sơn Đông), Vạn Trân Nhi được tuyển chọn vào cung làm cung nữ từ nhỏ. Còn Chu Kiến Thâm từ bé được lập làm Thái tử. Nhưng sợ bị người chú và quan thần phế truất, ám hại nên Chu Kiến Thâm sợ hãi, không dám tiếp xúc với mọi người. Thái tử can tâm sống cuộc sống buồn tẻ trong cung.
Vạn Thị được hầu hạ Chu Kiến Thâm, dần dà hai người nảy sinh tư tình. Năm Thiên Thuận thứ 8, Anh Tôn băng hà, Chu Kiến Thâm lên ngôi khi tròn 18 tuổi, lấy hiệu là Hiến Tôn, lúc đó Vạn Thị đã 35 tuổi. Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng hai người vẫn lén mây mưa cùng nhau. Vạn Trân Nhi đẹp một cách đầy đặn phốp pháp, có câu rằng "Thanh tú tựa Triệu Hợp Đức, đầy đặn như Dương Quý Phi", bà ta rất được Hiến Tôn sủng ái.
Nhưng sau khi Hiến Tôn lên ngôi thì hai vị Thái hậu đã tuyển chọn vào cung nhiều mỹ nữ, trong đó phải kể đến Hoàng hậu Ngô Thị, hai nàng phi Vương Thị và Bách Thị, khiến Vạn Trân Nhi đem lòng ghen ghét, thù hận.
Ngô Hoàng hậu thấy Vạn Trân Nhi không coi ai ra gì, muốn trị cho một trận. Một hôm khi Vạn Trân Nhi vào gặp, rất ngạo mạn vô lễ, bà liền mắng. Vạn Thị không vừa liền đáp trả nói năng chỏng lỏn. Bực quá, Hoàng hậu vớ lấy chiếc gậy trong tay thái giám gõ cho mấy cái. Vạn Thị bèn tìm đến vua khóc lóc tố khổ và bịa chuyện nói khích. Hiến Tôn tức giận liền truyền chỉ phế bỏ Ngô Hoàng hậu rồi lập Vương Thị làm hậu.
Năm Thành Hóa thứ 2 (1466), Vạn Thị sinh được con trai, được phong làm Quý phi, nhưng ít lâu sau thì đứa bé chết yểu, từ đó về sau bà ta không sinh được nữa. Vạn Thị thường ghen tuông đến mức điên khùng trước việc những phi tần, cung nữ khác trong cung được vua sủng ái. Nếu phát hiện thấy ai có thai bà ta liền sai người lấy cớ chữa bệnh để bắt uống thuốc phá thai, vậy mà vua chẳng dám làm gì ngoài việc nhỏ nhẹ phủ dụ bà ta.
Một lần, Hiến Tôn lâm hạnh một cung phi họ Kỷ, người này có bầu. Vạn Thị sai một cung nữ đi dò xét, người này bản chất lương thiện nên về nói dối là không có mang. Sau đó Kỷ Thị sinh hạ một bé trai, biết cả hai mẹ con sẽ lâm nguy nên khẩn cầu viên thái giám hãy bóp chết đứa bé đi. Thái giám thấy bất nhẫn, bèn lén đưa vào nuôi trong phòng kín. Ngô Hoàng hậu sau khi bị phế cũng thường vào thăm đứa bé.
Bấy giờ Hiến Tôn mới có một con trai là Tá Cực, chưa đầy 2 tuổi vừa được lập làm Thái tử đã bị Vạn Thị sai người giết chết. Trước nỗi đau mất con, vua vô cùng sầu não. Một hôm, vua soi gương và than thở mình tuổi đã cao mà không có con trai nối dõi. Thái giám Trương Mẫn thừa cơ bẩm báo chuyện mình đã lén nuôi được một hoàng tử.
Hiến Tôn mừng rõ, sai người đón Kỷ Thị và đứa bé vào cung. Vạn Trân Nhi nổi điên, tìm cách hại chết Kỷ Thị. Trương Mẫn hoảng sợ, cũng phải tự tử. Còn đứa bé trai may nhờ các quan trong Triều và Hoàng Thái hậu bảo vệ nghiêm ngặt, nên mới sống sót. Sau này đứa bé đã trở thành vua Minh Hiếu Tông.
Tóm lại, dù là một ông vua quyền cao chức trọng và trẻ hơn vợ lẽ đến tận 17 tuổi, nhưng vua Hiến Tôn luôn phải giả bộ làm ngơ để Vạn Trân Nhi giết cả máu mủ của mình.
Cho đến khi Vạn Trân Nhi 58 tuổi, khi ấy đã là một bà già có thân hình sồ sề và béo phục phịch, nhưng vua Hiến Tôn vẫn yêu và nể sợ vợ lẽ.
Sử sách kể lại rằng, khi Vạn Trân Nhi một lần giận dữ đánh cung nữ, vì thân thể béo phục phịch nên đã đứt hơi mà chết. Nhà vua nghe tin thì đã đau khổ như đứt từng khúc ruột. Ông gào khóc thương tiếc người vợ lẽ: "Vạn bỏ đi rồi, ta còn ở lâu sao được?". Từ đó, ông âu sầu, u uất mà sinh bệnh.
Chỉ vài tháng sau khi Vạn Trân Nhi qua đời, nhà vua Hiến Tôn vì thương tiếc người vợ lẽ này nên cũng về bên kia thế giới ở tuổi 40.