Mỹ nhận tiêm kích F-35 sau khi điều tra động cơ có hợp kim Trung Quốc
Mỹ đã tiếp tục việc nhận và chuyển giao tiêm kích F-35, sau khi quá trình này bị tạm hoãn do phát hiện hợp kim trong động cơ máy bay được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Politico, trong ngày 9/10 (giờ địa phương), một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, việc nhận và chuyển giao tiêm kích F-35 đã được tái khởi động. Trước đó, quá trình này bị tạm hoãn do phát hiện "một hợp kim nam châm có xuất xứ từ Trung Quốc được sử dụng trong bộ phận bơm dầu nhờn của động cơ".
Nguồn tin của Politico cho biết, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante đã ký văn bản miễn trừ an ninh quốc gia, đồng nghĩa với việc Bộ Quốc phòng sẽ không thay thế bộ phận chứa hợp kim Trung Quốc trong các tiêm kích đã bàn giao với đối tác. Quyết định này cũng đã được thông báo tới Quốc hội Mỹ.
Hiện tại, Lầu Năm Góc và tập đoàn Lockheed Martin chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông tin này.
Trước đó, đại diện Lockheed Martin cho biết, "một nam châm thuộc tổ hợp máy tuabin do công ty Honeywell của Trung Quốc cung cấp, có chứa hợp kim cobalt và samarium, chúng chưa được cấp phép bởi Chính phủ Mỹ". Bộ phận nam châm này không gây hại hay làm ảnh hưởng đến hiệu suất, chất lượng và độ an toàn của các tiêm kích F-35.
F-35 là một trong những tiêm kích tàng hình tân tiến nhất thế giới. Loại tiêm kích này của Mỹ có 3 phiên bản là F-35A được sử dụng cho lực lượng không quân, F-35B cho lực lượng thủy quân lục chiến và F-35C dành riêng cho các hoạt động trên tàu sân bay.
Hiện tại, không quân Mỹ sở hữu phi đội F-35 lớn nhất thế giới với 348 chiếc, nhưng theo một thông tin từ Lockheed Martin, số tiêm kích mà không quân nước này đặt mua lên tới 1.763 chiếc.