Mỹ, Nhật Bản đàm phán cắt giảm thuế thép, áp đặt từ thời ông Trump
Hôm thứ Sáu, Mỹ cho biết đã mở các cuộc đàm phán với Nhật Bản nhằm giảm thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu mà Mỹ đã áp đặt dưới thời ông Donald Trump.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết “những biến dạng” bị gây ra bởi tình trạng sản xuất dư thừa toàn cầu do Trung Quốc thúc đẩy, và “Hoa Kỳ cùng Nhật Bản sẽ tìm cách giải quyết các mối quan ngại song phương trong lĩnh vực này”.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Mỹ cảnh báo tấn công Ukraine là sai lầm nghiêm trọng đối với Nga
Nguyên nhân gì khiến COVID gia tăng ở các bang của Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng cao?
Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt đối với Huawei và ZTE
Mỹ trừng phạt hai quan chức quân đội Campuchia
"Hoa Kỳ và Nhật Bản có một liên minh lịch sử, được xây dựng trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau", bà Tai và bà Raimondo cho biết trong một tuyên bố, trước khi nhắm vào Bắc Kinh.
“Các cuộc tham vấn này tạo cơ hội để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao, giải quyết các mối quan tâm chung, bao gồm cả biến đổi khí hậu và buộc các nước như Trung Quốc ủng hộ các chính sách chống biến dạng thị trường", bà cho hay.
Các quan chức Mỹ cho biết sự bóp méo thị trường do dư thừa công suất toàn cầu phần lớn do Trung Quốc thúc đẩy, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp như thép và nhôm cũng như đối với người lao động trong các ngành đó.
Bà Raimondo sẽ đến Tokyo vào tuần tới để hội đàm với các quan chức Nhật Bản.
Chuyến đi châu Á chính thức đầu tiên của bà cũng sẽ đưa bà đến Malaysia và Singapore, nơi bà sẽ gặp gỡ các quan chức từ Australia và New Zealand.
Vào tháng 6/2018, ông Trump đã áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ một số nền kinh tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Đảng Cộng hòa cho biết ông đã hành động vì lý do an ninh quốc gia, một tuyên bố bị các nhà phê bình bác bỏ.
Tuần trước, Hoa Kỳ và EU thông báo họ sẽ dỡ bỏ các mức thuế quan mà Tổng thống Joe Biden gọi là “kỷ nguyên mới trong hợp tác xuyên Đại Tây Dương”.
Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và EU sẽ cho phép Hoa Kỳ nhập khẩu với số lượng hạn chế các sản phẩm thép và nhôm của Châu Âu mà không phải trả thuế.
Đổi lại, EU đang dỡ bỏ các bước trả đũa, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/12.
Nhật Bản và Hoa Kỳ nằm trong số các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, xếp sau Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Ấn Độ, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới.